AI ngày càng tốt, không dừng ở công cụ hỗ trợ
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công cụ quan trọng trong việc đổi mới và tối ưu hóa hoạt động giáo dục trên toàn cầu. Đối với việc học ngoại ngữ như tiếng Anh, AI mang đến những lợi ích như cá nhân hóa lộ trình học cho từng học viên, đưa ra phản hồi tức thì, tự động chấm bài, cải thiện phát âm và theo dõi sự tiến bộ của người học mà không cần sự can thiệp trực tiếp của giáo viên.
Chia sẻ tại hội thảo “Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” ngày 15/10, PGS.TS Lê Văn Canh – Chuyên gia nghiên cứu và tư vấn độc lập về giảng dạy tiếng Anh và Ngôn ngữ học ứng dụng – cho rằng AI sẽ thay đổi toàn diện, triệt để và định nghĩa lại toàn bộ khái niệm trong học tập.
Nhờ có các công nghệ mới, lớp học không còn là nơi duy nhất để lĩnh hội kiến thức. Chất lượng giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến không có gì khác biệt và trong tương lai, dạy học trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến.
Theo ông Lê Văn Canh, với những tiến bộ nhanh chóng, AI không còn là một công cụ mà sẽ là một chủ thể, một tác nhân, một thành viên trong cộng đồng, cộng tác cùng giáo viên trong hoạt động giảng dạy.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển kinh tế (ITED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư – nhận xét công nghệ nói chung và AI nói riêng đang tạo ra những tác động tích cực đến quá trình tương tác giữa học viên với giáo viên, với nội dung học, với bản thân và với cộng đồng.
Chẳng hạn, trước đây, tương tác giữa giáo viên và học viên chỉ diễn ra trên lớp học; ngày nay, mở rộng sang không gian mạng, thời gian thực. Hoặc, nhờ công nghệ kiểm tra thích ứng (adaptive assessment), kho đề không còn bị hạn chế mà máy tính sẽ đo đạc, đưa ra đề bài phù hợp với năng lực của người học.
Nhận thức rõ những lợi ích mà công nghệ mang lại, một số tổ chức giáo dục đã chủ động sử dụng AI để phục vụ hoạt động giảng dạy tiếng Anh trực tuyến.
Để các trung tâm ngoại ngữ không bị AI xóa sổ
Tại sự kiện, các diễn giả tham dự đã cùng nhau chia sẻ về vai trò của AI trong lĩnh vực giáo dục, cơ hội và thách thức mà AI mang lại, cũng như việc ứng dụng AI trong quản lý, tổ chức đào tạo, kiểm tra, biên soạn chương trình, học liệu tiếng Anh trực tuyến.
“AI rất thông minh và nhanh nhạy, song chưa thể thay thế vai trò của con người vì rõ ràng chúng ta không thể học như một cái máy”, ông Nguyễn Tiến Nam CEO SunUni Academy đánh giá.
Còn theo PGS.TS. Lê Văn Canh, thứ người máy không làm được chính là thay thế xúc cảm khi giao tiếp giữa người với người, không hiểu hết được sự sáng tạo và tinh tế của ngôn ngữ.
Dù tạo ra nhiều cơ hội, người máy không tạo động lực cho người học. Giáo viên mới là người tạo động lực, truyền cảm hứng, hướng dẫn học viên phương pháp học tập, phân tích thông tin.
Nếu lạm dụng công nghệ, tính sáng tạo, khả năng tư duy, phản biện sẽ bị thui chột, không thể hòa nhập hay nhìn nhận thế giới đa chiều.
Vì vậy, PGS.TS. Lê Văn Canh chỉ ra, cần ưu tiên về chính sách đào tạo, hướng dẫn giáo viên phương pháp dạy học bằng công nghệ, đạo đức trong việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong thời đại 4.0, việc cộng tác với AI như thế nào là bài toán khó. Vai trò của người thầy sẽ không mất đi nhưng có sự thay đổi. “Thầy cô phải thay đổi chính mình, biết cách đồng hành cùng các thầy, cô giáo AI”.
Trước vấn đề được quan tâm hiện nay: có Google Dịch, ChatGPT rồi, có cần học tiếng Anh nữa hay không, các trung tâm ngoại ngữ có bị xóa sổ hay không, nhà văn – nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng điều này có thể xảy ra.
Các trung tâm muốn tồn tại trong xã hội AI cần biến mình thành tổ chức giáo dục mang tính “người” hơn – thứ mà AI không làm được. Chẳng hạn, thông qua các kênh talkshow, podcast để kết nối cha mẹ với con cái trên hành trình học tập, tạo ra nhiều khoảnh khắc gắn bó trong gia đình. “Thay vì chỉ chạy đua vào công nghệ, hãy nghĩ đến gắn kết nhiều hơn”, ông Hoàng Anh Tú bày tỏ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ai-co-xoa-so-cac-trung-tam-ngoai-ngu-2332224.html