Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ai Cập Ahmed Fahmy thông báo, trong cuộc điện đàm ngày 9/12, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí tiếp tục nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Người dân Palestine tìm kiếm những người sống sót sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Dải Gaza, ngày 22/11. (Nguồn: AP) |
Theo TASS, trên Facebook, người phát ngôn nêu rõ: “Cuộc điện đàm tập trung vào tình hình trong khu vực, đặc biệt là ở Dải Gaza, giữa lúc tình hình chính trị và nhân đạo căng thẳng. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về “những nỗ lực của Ai Cập trong việc vận chuyển hầu hết các hàng viện trợ nhân đạo cần thiết để hỗ trợ người dân ở Dải Gaza”.
Hai ông Al-Sisi và Putin đã nhất trí về việc “tiếp tục nghiêm túc hướng tới lệnh ngừng bắn (ở khu vực này), cũng như đảm bảo rằng cộng đồng quốc tế phải gánh trách nhiệm để đạt được mục tiêu này”.
Trong diễn biến liên quan, Tân Hoa xã ngày 9/12 dẫn thông báo của Văn phòng phụ trách Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, từ ngày 3/12, hàng chục nghìn người Palestine sơ tán đến Rafah, điểm cực Nam của Dải Gaza, đang gặp phải tình trạng quá chật chội và cần chỗ nương náu.
Phần lớn những người này đến từ thành phố Khan Younis gần đó sau lệnh sơ tán và các trận ném bom liên tục của các lực lượng Israel.
Theo OCHA, mọi người dựng lều và các nơi ở tạm thời trong khu vực đang xây dựng bệnh viện dã chiến của Qatar và trường Đại học Mở Al-Quds tại Rafah.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), ước tính có khoảng 1,9 triệu người ở Gaza, tương đương khoảng 85% dân số ở dải đất đang bị phong tỏa, phải rời bỏ nhà cửa đến các khu vực khác trong vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, hãng tin Reuters ngày 9/12 dẫn lời ông Carl Skau, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) cho biết, quy trình kiểm tra hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza đang được thử nghiệm tại cửa khẩu Kerem Shalom của Israel, đồng thời, các hoạt động nhằm cho phép các xe chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza qua cửa khẩu này vẫn đang được tiến hành.
Theo quy trình mới, các xe tải sẽ đi từ Jordan đến cửa khẩu Kerem Shalom nằm trên khu vực giáp ranh giữa Israel, Gaza và Ai Cập, sau đó tiến vào Gaza qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập cách đó 3 km.
Tuy nhiên, theo ông Skau, các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo cần phải được đi thẳng vào Gaza từ cửa khẩu Kerem Shalom nhằm cải thiện tình hình nhân đạo tại đây.
Cho đến nay, Israel vẫn từ chối yêu cầu của LHQ và các bên liên quan trong việc mở cửa khẩu Kerem Shalom. Mặc dù vậy, ngày 7/12, Nhà nước Do Thái đã phát tín hiệu cho thấy cửa khẩu Kerem Shalom có thể sớm tham gia tiến trình vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.