(Dân trí) – Hơn 40.000 cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những “hạt mầm xanh” cho ngành giáo dục thông qua loạt hoạt động ý nghĩa dựng lớp, xây trường.
Những chuyến đi dựng lớp, xây trường
Tháng 6, Agribank phối hợp với UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trao tặng kinh phí 7 tỷ đồng để xây dựng Trường Mầm non Trần Văn Ơn tại xã Phước Thạnh. Chương trình này không chỉ giúp các em nhỏ vùng quê nghèo có môi trường học tập tốt hơn mà còn thể hiện tinh thần sẻ chia, trách nhiệm của hơn 40.000 cán bộ, nhân viên Agribank.
Tháng 8, Agribank tài trợ 6 tỷ đồng để xây dựng Trường Tiểu học Lịch Sơn tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai – huyện miền núi duy nhất của tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 9, Agribank tiếp tục hành trình đến Hà Giang, tài trợ số tiền 9,5 tỷ đồng để xây dựng một khu nhà lưu trú cho học sinh Trường THPT Bắc Mê, giúp các em có chỗ ở an toàn, ổn định, giảm bớt khó khăn khi phải đi học xa nhà.
Trong tháng 11, Agribank trao kinh phí 1 tỷ đồng để xây dựng lại cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học và THCS Việt Tiến (Lào Cai), trao tặng 1 tỷ đồng cho thầy và trò điểm trường thôn Chu Lìn I-KM28 thuộc trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học Trung Chải, thị xã Sa Pa, Lào Cai. Ngân hàng trao tặng kinh phí xây mới phòng học sửa chữa công trình phụ trợ tại các điểm trường khác như PTDT bán trú THCS Nậm Mòn (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà); Trường Mầm non và Tiểu học Mường Lum, Trường Tiểu học La Pan Tẩn (xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương)…
Tại tỉnh Yên Bái, tổng số kinh phí 4 tỷ đồng đã được Agribank tập trung tài trợ để các trường xây dựng những bếp ăn đạt chuẩn chất lượng, tạo điều kiện cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các em học sinh được tốt hơn.
Sáng kiến nhân văn từ Agribank
“Thêm con chữ, bớt đói nghèo” là một sáng kiến mang ý nghĩa xã hội sâu sắc nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo có điều kiện tiếp cận giáo dục của Agribank, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói thông qua giáo dục.
Hoạt động “Thêm con chữ, bớt đói nghèo” của Agribank tập trung vào các trường học tại những địa phương nghèo và vùng dân tộc thiểu số, không chỉ hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất như trường học, lớp học, thư viện mà còn trang bị cho các em học sinh nghèo các vật dụng cần thiết như sách vở, đồng phục và dụng cụ học tập.
Chương trình “Thêm con chữ, bớt đói nghèo” không chỉ giúp đỡ hàng nghìn học sinh mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng, thúc đẩy sự lan tỏa của phong trào khuyến học và hỗ trợ giáo dục trong xã hội.
Tiếp sức sinh viên trên hành trình tri thức
Đồng hành cùng sinh viên, Agribank đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên, nhất là tân sinh viên, nhằm giúp các em tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hiện đại và nhận được sự hỗ trợ tài chính kịp thời.
Agribank cũng triển khai các chương trình khuyến mại dành cho tân sinh viên, như: Agribank dành 1,833 tỷ đồng tặng tân sinh viên 2023; Agribank đồng hành cùng tân sinh viên năm 2024, đã được triển khai từ ngày 1/8 đến hết ngày 30/11, với tổng giá trị quà tặng lên đến 2,6 tỷ đồng nhằm khuyến khích sinh viên sử dụng các dịch vụ ngân hàng và hỗ trợ tài chính cho quá trình học tập.
Ngoài ra, Agribank còn cung cấp các gói vay ưu đãi dành cho sinh viên, giúp các em trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Các gói vay này có lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Agribank còn phối hợp với các trường đại học để triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Tại Học viện ngân hàng, Agribank trao tặng gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và học bổng cho sinh viên, trao tặng Đại học Luật TPHCM gói tài trợ trị giá 1 tỷ đồng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ…
Agribank và nhiều trường Đại học như Đại học Quốc gia, Đại học Luật TPHCM… ký kết các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Agribank dành hơn 140 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trong giáo dục. Trong 10 năm qua (2014-2024), tổng kinh phí mà ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/agribank-uom-mam-tri-thuc-tu-nhung-sang-kien-va-tai-tro-giao-duc-20241120142123119.htm