Agribank đang triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để thực thi ESG đồng bộ, hiệu quả từ cấp Ban Lãnh đạo đến từng người lao động, tạo nên sức bật lớn, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động theo các cam kết và thỏa thuận quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt, tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26, 27 và 28, Việt Nam đã và tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều chính sách, định hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) chuyển đổi xanh, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thông qua: Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Định hướng phát ngân hàng xanh trong Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kết quả đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng trên thế giới và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xếp hạng của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Nhằm thực thi chủ trương, chính sách, định hướng của Chính phủ, NHNN về phát triển ngân hàng xanh cũng như hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để thực thi ESG đồng bộ, hiệu quả từ cấp Ban Lãnh đạo đến từng người lao động, tạo nên sức bật lớn, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
Xác định thực hiện ESG trên cả ba trụ cột Môi trường (Enviromental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance), Agribank đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện ESG, bao gồm: thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG gồm các nhân sự cấp cao và đội ngũ chuyên môn nhằm nghiên cứu triển khai thực hành quản lý ESG đồng bộ, hiệu quả trong mọi mặt hoạt động của Agribank; tích hợp quản trị rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động kinh doanh và chương trình quản trị rủi ro chung của Agribank theo lộ trình phù hợp; không cấp tín dụng mới hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành, nghề trong danh sách ngành, nghề kinh doanh loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng của Agribank; tăng cường truyền thông, tập huấn, đào tạo nhằm lan tỏa, thấm nhuần về tư tưởng phát triển bền vững trong toàn bộ hệ thống Agribank từ Ban Lãnh đạo đến từng người lao động, đồng thời tích cực truyền thông đến khách hàng nhận thức về ESG và phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai tài chính toàn diện, chuyển đổi số,phát triển sản phẩm và dịch vụ bền vững; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng.
Từ những bước đi cụ thể trên, Agribank đã đạt được những kết quả bước đầu trong hành trình thực thi ESG và hướng tới phát triển bền vững.
Đối với trụ cột môi trường, Agribank tích cực triển khai chương trình tín dụng xanh định kì báo cáo NHNN về kết quả thực hiện. Đến 30/9/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay, số lượng khách hàng vay vốn gần 42 nghìn khách hàng. Bên cạnh đó, Agribank đang triển khai các chương trình nhằm “xanh hóa” tín dụng như: chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch” với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; mở rộng đầu tư cho vay các dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lí rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; điện mặt trời; cung cấp tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên… Agribank cũng đã ban hành Quy định về quản lí rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank. Đây là khung pháp lí quan trọng hướng dẫn các đơn vị liên quan tại Trụ sở chính và chi nhánh nhận biết, đánh giá mức độ rủi ro về môi trường và thực hiện quản lí rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của Việt Nam, tạo nên chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị hàng hóa cao, mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng); cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ); chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam); đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An); ngô (Sơn La); hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Kon Tum); thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…
Agribank đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh” – mục tiêu xuyên suốt từ nhận thức đến hành động của gần 40.000 cán bộ Agribank. Tích cực triển khai hiệu quả phong trào “Agribank – Một triệu cây xanh, thêm cây thêm sự sống”, trong một năm bền bỉ trồng cây phủ xanh đất nước, chương trình trồng 1 triệu cây xanh của Agribank đã hoàn thành phát huy tác dụng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tăng cường không gian xanh khu vực công cộng, các trường học và cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu dân cư, các đô thị lớn. Xây dựng và thực hiện các dự án bám sát chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc phát động. Cụ thể, tại các chi nhánh của Agribank trên toàn quốc, nhiều chương trình, hoạt động được triển khai như: “Nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với hút thuốc lá”, “Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp”, “Chung tay làm sạch môi trường biển” tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, tổ chức các roadshow đi xe đạp tại các thành phố lớn truyền tải thông điệp “Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường”, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh… Tại khu vực quầy giao dịch, khách hàng được tặng túi đựng tiền làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon dùng một lần; tặng bình nước giữ nhiệt thay vì chai nhựa, ống hút dùng một lần. Agribank mong muốn thông điệp “Vì tương lai xanh” sẽ ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng để từ đó, cùng xây dựng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững đất nước.
Đối với trụ cột Xã hội, nhằm thúc đẩy triển khai tài chính toàn diện, Agribank tích cực triển khai nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với 07 Chương trình tín dụng chính sách và 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giúp cho người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tài chính cần thiết với chi phí hợp lí, nâng cao đời sống và phát triển kinh doanh đồng thời tích cực hỗ trợ khách hàng thông qua việc liên kết chặt chẽ với các tổ vay vốn, hội nông dân, hội phụ nữ. Mô hình này đã phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua bởi thủ tục nhanh gọn, dẫn vốn hiệu quả tới người dân và tỉ lệ nợ xấu rất thấp. Với sự tham gia tích cực của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng các tổ hội, đã góp phần làm nên hiệu quả của mô hình tổ vay vốn, tạo điều kiện để người phụ nữ phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới. Trên nền tảng công nghệ, Agribank đã triển khai hàng loạt sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại như: thanh toán thương mại biên giới; thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước; thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước; thanh toán hóa đơn; chuyển khoản, thanh toán hóa đơn qua tin nhắn SMS; Internet Banking; E-Mobile Banking; thẻ thanh toán…, góp phần tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Agribank thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc tích cực triển khai hoạt động an sinh xã hội. Trong năm 2022, Agribank dành nguồn kinh phí hơn 600 tỉ đồng tài trợ cho các địa phương có huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng hơn 2.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho người nghèo và đối tượng chính sách trong cả nước, 17 công trình trường học và phòng học, 06 trạm và cơ sở y tế, tặng các gói khám chữa bệnh cho người nghèo, hoạt động cứu trợ thiên tai…
Trong nội bộ, Agribank chú trọng bảo đảm thu nhập và phúc lợi xã hội và quyền lợi hợp pháp đối với người lao động. Tổng mức chi lương và phụ cấp cho nhân viên năm 2022 là 13.828 tỉ đồng, tăng 2,2% so với năm 2021. Lương và phụ cấp bình quân của người lao động Agribank là 29,77 triệu đồng/người. Bên cạnh các khoản lương và phụ cấp, trong những năm qua người lao động tại Agribank được quan tâm đầy đủ các mặt từ đời sống vật chất và tinh thần, việc làm, điều kiện, phương tiện làm việc, thu nhập, quyền lợi về nghỉ ngơi, chế độ khen thưởng cũng như khuyến khích học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, giúp cho người lao động tin tưởng, yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Agribank. Các chế độ đối với người lao động được thực hiện đầy đủ. 100% người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 100% người lao động được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngừa Corona Virus và mở rộng đến người thân có nhu cầu; người lao động bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19 được hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh, được Công đoàn bộ phận quan tâm, chăm sóc khi cần thiết. Agribank cũng tổ chức khám chữa bệnh toàn diện 01 lần/năm cho tất cả người lao động và 02 lần/năm cho lao động nữ. Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cung cấp bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí cho người lao động tại nhiều đơn vị và phí ưu đãi cho người thân.
Agribank chủ trương tăng cường vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo. Có trên 22.000 người lao động nữ trong tổng số hơn 4 vạn người lao động, chiếm gần 54%; phụ nữ thực sự phát huy vai trò trong hoạt động của Agribank với 05 nữ lãnh đạo cấp cao nhất Agribank, 1.073 cán bộ nữ tham gia Ban Lãnh đạo các Ban, Trung tâm và tương đương tại Trụ sở chính và Ban Giám đốc các chi nhánh. Trên các cương vị công tác, lao động nữ Agribank đã thể hiện bản lĩnh, năng lực, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, nỗ lực làm việc, học tập, phấn đấu để phát triển toàn diện. Agribank cũng đã ban hành đầy đủ các văn bản bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm nữ lãnh đạo các cấp tại Agribank.
Đối với trụ cột Quản trị, Agribank tập trung vào các tiêu chí sau: xây dựng cơ cấu quản trị ESG, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, quản trị rủi ro và phòng chống tham nhũng. Hiện tại, Agribank chưa xây dựng bộ máy, bộ phận chuyên trách quản trị ESG. Tuy nhiên, ngày 27/07/2023, Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai ESG trong hệ thống Agribank với thành phần nhân sự cấp cao, trong đó nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo là xây dựng Đề án triển khai ESG toàn diện tại Agribank trong ngắn hạn và dài hạn. Agribank thực hiện công bố thông tin minh bạch và công khai theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ qua các kênh sau: Website của Agribank; Báo cáo tài chính kiểm toán độc lập; Báo cáo thường niên; Báo cáo thống kê định kì và bất thường theo yêu cầu của NHNN và các cơ quan có thẩm quyền khác; Báo cáo tài chính quý/năm của Ngân hàng. Agribank đã xây dựng các cơ chế, quy định và thực hiện công khai thông tin; trong nội quy lao động, văn hóa Agribank, yêu cầu người lao động tuân thủ phòng, chống tham nhũng, hối lộ; thiết lập cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế chính bảo đảm tách bạch giữa quản trị và điều hành, giữa các tuyến phòng ngừa rủi ro; công khai tiền lương, thu nhập của Hội đồng thành viên, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát trong Báo cáo tài chính; thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định của pháp luật.
Để tận dụng cơ hội cũng như phát huy lợi thế, Agribank đang nghiên cứu và từng bước triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường tính đồng bộ và hiệu quả trong thực thi ESG tại Agribank, cụ thể như sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản định chế, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý phù hợp với mục tiêu thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững;
Hai là, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững;
Ba là, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế nhằm đấy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững;
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng;
Năm là, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu thực hiện tăng trưởng xanh và áp dụng ESG trong hoạt động ngân hàng.
Sáu là, tăng cường hoạt động truyền thông, tập huấn nhằm lan tỏa, thấm nhuần về tư tưởng phát triển bền vững trong toàn bộ hệ thống Agribank từ Ban Lãnh đạo đến từng người lao động, đồng thời tích cực truyền thông đến khách hàng nhận thức về ESG và phát triển bền vững.
Bảy là, đẩy mạnh thực hiện mua sắm xanh đối với các dự án, nhiệm vụ sử dụng nguồn kinh phí của Agribank theo các quy định hiện hành; ưu tiên sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam trong các hoạt động mua sắm trong hệ thống Agribank.
Hải Yến