Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực lâm sản đạt 5,18 tỷ USD; thủy sản 2,68 tỷ USD. Các con số trên đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2023 từ 4% – 22,8%. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Agribank với các chương trình tín dụng ưu đãi…
Ưu tiên đầu tư cho lâm, thủy sản
Thực tế triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi phát triển lâm, thủy sản của Agribank đã mang lại rất nhiều cơ hội cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt là đối với các địa phương có diện tích giáp biển, sông ngòi dày đặc, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, chương trình tín dụng ưu đãi phát triển lâm, thủy sản càng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết; trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tôm, cá tăng cao nhưng giá cả thu mua lại giảm do môi trường cạnh tranh và thị trường tiêu thụ kém.
Tính đến 31/3/2024, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản của Agribank đạt 74,5 nghìn tỷ đồng/15.000 khách hàng; trong đó: dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản là 42,8 nghìn tỷ đồng; cho vay chế biến và xuất khẩu thủy sản là 9,2 nghìn tỷ đồng; cho vay kinh doanh thủy sản là 22,5 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay lĩnh vực lâm sản đạt gần 54 nghìn tỷ đồng/92.275 khách hàng (dư nợ cho vay ngành lâm nghiệp là 19,2 nghìn tỷ đồng, ngành gỗ là 34,6 nghìn tỷ đồng).
Thực hiện văn bản số 5631/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với dự kiến quy mô 15.000 tỷ đồng; văn bản số 1813/NHNN-TD về việc tiếp tục triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, nâng quy mô cho vay lên 30.000 tỷ đồng…
Agribank đã kịp thời ban hành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 3.000 tỷ đồng. Đến 30/11/2023, Agribank đã giải ngân cho vay đạt 3.000 tỷ đồng theo cam kết. Đồng thời, tại thời điểm này, Agribank tiếp tục đăng ký với Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng quy mô giải ngân theo chương trình cho vay lâm sản, thủy sản lên 8.000 tỷ đồng (chiếm gần 30% quy mô của toàn ngành). Đến nay, doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5.500 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 3,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục giải ngân cho vay lâm sản, thủy sản theo gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi nội bộ nhằm khuyến khích phát triển đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và các lĩnh vực ưu tiên quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư…” – Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Bình chia sẻ.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Theo bà Phùng Thị Bình, dù việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank đạt được những kết quả khả quan; song, quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Đầu tiên phải kể việc thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt; hay nói cách khác là doanh nghiệp đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Rất nhiều địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng. Cùng với đó, hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền.
Mặt khác, chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Ngoài ra, việc kiểm soát hồ sơ giải ngân vốn vay cũng gặp không ít khó khăn do phong tục tập quán địa phương, việc mua sản phẩm của người dân không có hóa đơn, chứng từ và phần lớn sử dụng thanh toán tiền mặt…
Để triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn; bà Phùng Thị Bình cho rằng, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý.
Về phía Agribank, bà Phùng Thị Bình cũng cho biết, sẽ duy trì và tập trung chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và cho vay sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản nói riêng.
Agribank sẽ mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn; chủ động tham gia xây dựng, kết nối các thành phần của chuỗi giá trị nông nghiệp từ nuôi trồng – thu mua – chế biến xuất khẩu để bảo đảm nguồn vốn đầu tư chủ động cho từng khâu, kiểm soát được dòng tiền, minh bạch tài chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong quá trình triển khai.
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 trong hoạt động cho vay, từng bước cải tiến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp” – bà Phùng Thị Bình khẳng định.
Đức Kiên
nguồn: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/agribank-san-sang-ho-tro-doanh-nghiep-i371365/