Chiều 22.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình Quốc hội bổ sung vốn cho Agribank. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 17.100 tỉ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021 – 2023.
Khoản vốn bổ sung trên sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách T.Ư 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỉ đồng. Phần còn lại hơn 10.300 tỉ đồng bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bổ sung vốn cho Agribank là cấp thiết, giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II (Hiệp ước Basel về lĩnh vực ngân hàng).
Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2021, Agribank chỉ đạt 7% tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại nhà nước khác như Vietcombank 9,98%, VietinBank 8,54% và BIDV 8,4%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng này cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hóa. Việc tăng vốn cũng là cơ sở để mở rộng quy mô hoạt động, mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm ngoái là 34.446 tỉ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank (gần 35.200 tỉ đồng), MB (hơn 45.300 tỉ đồng), VPBank (hơn 67.400 tỉ đồng).
Thẩm tra nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách là đảm bảo cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo luật định.
Mức vốn bổ sung 17.100 tỉ đồng tương ứng số lợi nhuận còn lại dự kiến nộp ngân sách trong giai đoạn 2021 – 2023. Đa số nhất trí với đề xuất tăng vốn, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách, cân đối nguồn thu – chi; xây dựng dự toán năm 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại so với tổng mức vốn Quốc hội quyết định (10.347 tỉ đồng).
Chính phủ cũng cần có phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng.
Ngoài ra, để chủ động trong việc lập dự toán ngân sách hằng năm và xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm (2026 – 2030), Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo kế hoạch cổ phần hóa cũng như nhu cầu tổng thể vốn điều lệ cần thiết phải bổ sung cho Agribank đến năm 2030 và dự kiến kế hoạch, phương án bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong thời gian tới.
Chiều 22.5, cho ý kiến thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, dự án hồ chứa nước Ka Pét phát sinh tiêu chí chuyển mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 680,41 ha. Tổng mức đầu tư 585,6 tỉ đồng, thực hiện từ 2019 – 2024. Tuy nhiên, do gián đoạn 2 năm dịch Covid-19, diện tích rừng phải chuyển đổi tương đối lớn đòi hỏi nhiều thời gian đánh giá hiện trạng, dẫn đến tiến độ dự án bị chậm, phát sinh thêm chi phí. Tổng mức đầu tư dự án tăng so với Nghị quyết 93/2019/QH14 nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Song, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng đánh giá nguyên nhân phần lớn do khách quan và cho rằng việc điều chỉnh chủ trương là cần thiết. Ủy ban tán thành báo cáo Quốc hội tổng nguồn vốn dự kiến sau điều chỉnh là 874,089 tỉ đồng, cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2025.