(Dân trí) – Agribank nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nhu cầu vay vốn đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, góp phần chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
OCOP là một trong những chương trình quan trọng được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm trong công tác triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Chương trình OCOP triển khai từ năm 2018 đã đạt nhiều kết quả, tác động tốt đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống.
Việc phát triển Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, giúp nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Xác định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các sản phẩm OCOP.
Khó khăn trong triển khai cho vay sản xuất, kinh doanh OCOP
Thực tế triển khai đã bộc lộ những vướng mắc khiến nguồn vốn ngân hàng chưa thể tiếp cận được nhiều khách hàng. Các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn. Hợp tác xã (HTX) là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP, do đó các thành viên của HTX không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên. Phần lớn số HTX không đủ điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, các HTX thường không có tài sản đảm bảo hoặc có giá trị không cao. Các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu, chưa chuyển tên cho HTX, gây khó khăn trong sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn.
Mặc dù Nghị định 55 có cơ chế chính sách ưu đãi về bảo đảm tiền vay bằng tài sản đối với HTX, Liên hiệp HTX với số tiền vay không phải bảo đảm bằng tài sản có thể từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/khách hàng, tuy nhiên chế tài xử lý đối với trường hợp khách hàng cố tình không trả nợ chưa rõ ràng nên khó khăn cho ngân hàng khi xử lý thu hồi nợ đối với những trường hợp cho vay không có đảm bảo bằng tài sản.
Cung ứng vốn ưu đãi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
Để đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, Agribank đã triển khai các chương trình cho vay của Chính phủ, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thuộc các lĩnh vực kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP có thể dễ dàng tiếp cận.
Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Tại Agribank, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại) hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) hoặc tham gia các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp.
Từ 1/2 đến hết 31/12, Agribank dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank.
Nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Agribank đã chủ động, linh hoạt tập trung cung ứng vốn cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô gần 200.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn 1-2,5% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa, gạo, cà phê, thủy sản,… cho vay liên kết đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt.