Bắt đầu từ 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày sẽ phải xác thực bằng khuôn mặt. Đây là quy định trong Quyết định 2345/QĐ-NHNN nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận, bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng. Đến thời điểm này, các bước kỹ thuật cơ bản hoàn thành, Agribank sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Bảo đảm an toàn cho các giao dịch thanh toán
Để giải quyết vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần hoàn thiện giải pháp và triển khai trước ngày 1/7/2024 nhằm tuân thủ việc xác thực theo phân loại giao dịch tương ứng. Đối với khách hàng cá nhân, các giao dịch có giá trị lớn và giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra bảo đảm. Cụ thể, một giao dịch chuyển tiền ngân hàng trong nước, nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, phải được xác thực bằng sinh trắc học.
Sau hơn nửa năm triển khai các khâu, bước kỹ thuật cho Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ, các ngân hàng, trong đó có Agribank đang tích cực phối hợp với Bộ Công an thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong một số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC. Đến thời điểm này, Agirbank đã sẵn sàng phục vụ các khách hàng.
Cung cấp tối đa tiện ích cho người dùng
Bắt đầu từ việc nhận thức rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Agribank đều dành ngân sách lớn trong đầu tư xây dựng, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm vận hành cho gần 254.000 giao dịch trực tuyến/ngày, chiếm 91,97% tổng số giao dịch. Hiện tại, Agribank là một trong những ngân hàng có số lượng giao dịch trực tuyến lớn nhất trong hệ thống với trên 45 triệu giao dịch trong năm 2023, tổng giá trị giao dịch đạt 60.000 tỷ đồng.
Việc tích cực chuyển đổi số đã tạo thuận lợi để Agribank mau chóng triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng cho khách hàng; với hàng loạt giải pháp như SMS OTP; Soft OTP; Token OTP, sinh trắc học bằng khuôn mặt.
Bên cạnh đó, các yêu cầu đăng ký tài khoản trên các thiết bị, hệ thống của Agribank bắt buộc phải thực hiện eKYC và xác thực bước 2 – KYC trực tiếp tại quầy để thực hiện các giao dịch có giá trị lớn; trong quá trình eKYC và KYC khách hàng phải cung cấp đầy đủ hồ sơ nhận diện theo quy định của pháp luật; bắt buộc phải đúng user, mật khẩu khi đăng nhập sử dụng các hệ thống của Agribank. Triển khai đăng ký, cập nhật và định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) cho khách hàng tại Agribank Digital.
Ngoài ra, đối với xác thực giao dịch thanh toán thẻ, Agribank đã thiết lập hạn mức giao dịch ngày; thiết lập hạn mức để cho phép/không cho phép thanh toán trực tuyến; triển khai ứng dụng biện pháp 3D Secure nâng cao an toàn bảo mật.
Cùng với đó, Agribank đã triển khai hệ thống TWFA (Tranzware Fraud Analyzer) để cảnh báo và xử lý cảnh báo các giao dịch có dấu hiệu rủi ro, gian lận hoặc bất thường, như: thẻ giao dịch nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, thẻ giao dịch tại nhiều địa điểm khác nhau trong cùng khoảng thời gian… Từ đó, chủ động ngăn chặn hoặc cảnh báo chủ thẻ để hạn chế rủi ro, tổn thất phát sinh cho cả khách hàng và Agribank.
Đồng thời, triển khai chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có dấu hiệu bất thường trong toàn hệ thống như: số tiền giao dịch, doanh số giao dịch lớn bất thường so với loại hình kinh doanh, nhằm kịp thời phát hiện và trình cấp có thẩm quyền các hình thức xử lý.
Triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật
Cùng với các giải pháp có sẵn, khi triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Agribank tiếp tục thu thập dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu tích hợp trong thẻ căn cước công dân gắp chip đối với khách hàng; xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học đã được làm sạch (đối chiếu dữ liệu sinh trắc học thu thập được với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý).
Song song với việc rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận. Đặc biệt, triển khai Module quản lý hạn mức tập trung và cho phép các kênh giao dịch tra cứu tình trạng hạn mức tổng đối với tài khoản thanh toán của khách hàng và các thông tin khác theo Quyết định 2345.
Ngay trong tháng 6.2024, toàn bộ hệ thống xác thực kết nối trực tuyến với Bộ Công an cũng đã được Agribank đưa vào vận hành; các ứng dụng xác thực cũng đã được hoàn thiện để sẵn sàng áp dụng quy định mới từ tháng 7/2024.
Tại Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng biểu dương Agribank và một số tổ chức tín dụng khác đã ngay lập tức quyết liệt triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, với số lượng khách hàng đã đăng ký nhận diện sinh trắc học chiếm tỷ lệ lớn, giúp giảm tình trạng quá tải và gián đoạn dịch vụ cho khách hàng sau khi Quyết định 2345 đưa vào thực hiện. Nhất là việc Agribank sớm có ý thức bảo vệ khách hàng thông qua việc tuyên truyền, để người dân nâng cao nhận thức trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng…
Đức Kiên
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/agribank-da-san-sang–i377476/