Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định, ASEAN và EU là hai tổ chức có vai trò chủ đạo tại hai khu vực và cũng là hình mẫu thành công nhất hiện nay trên thế giới. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 là sự tiếp nối, phát huy kết quả quan trọng của Hội nghị cấp cao vừa qua, qua đó thúc đẩy quan hệ hai bên lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả và chiến lược.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhận lời mời của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPMF) lần thứ 3 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU (AEMM) lần thứ 24, kết hợp thăm làm việc tại Bỉ từ 31/1-2/2.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo đã có cuộc trao đổi với Thế giới & Việt Nam trước thềm IPMF lần thứ 3 và AEMM lần thứ 24.
Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU (AEMM) lần thứ 24, Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPMF) được tổ chức vào ngày 2/2?
Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 tổ chức ngày 2/2 tại Brussels (Bỉ) với sự tham dự của gần 70 đoàn gồm thành viên EU, hơn 40 nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đại diện một số tổ chức quốc tế lớn, do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng thư ký… các Bộ Ngoại giao dẫn đầu.
Diễn đàn là sáng kiến của EU từ năm 2022, là cơ chế quan trọng để EU cùng toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn, chia sẻ đánh giá về những diễn biến, xu thế mới của thế giới; điểm lại thành tựu và đề ra phương hướng, triển vọng hợp tác mới gắn kết hai khu vưc châu Âu-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó tăng cường đoàn kết và phối hợp giải quyết các vấn đề chung toàn cầu.
Diễn đàn lần này gồm phiên khai mạc, bế mạc và 3 phiên thảo luận bàn tròn song song với các chủ đề chính: Thịnh vượng chung, tự cường kinh tế và đầu tư; Chuyển đổi xanh – đối tác vì tương lai bền vững; và Các thách thức địa chiến lược và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ tham gia và phát biểu tại phiên thảo luận về “Chuyển đổi xanh”. Đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm rất tiềm năng và được ưu tiên cao trong hợp tác Việt Nam-EU. Chuyển đổi xanh, bền vững là xu thế phát triển tất yếu của kinh tế thế giới, cũng là định hướng phát triển của Việt Nam được Đảng và Nhà nước đề ra.
Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế; trong đó hợp tác với EU, đối tác hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn là nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững của cả nền kinh tế, có tác động bao trùm tới toàn thể người dân, doanh nghiệp và xã hội. Hợp tác chuyển đổi xanh cũng mang tính toàn diện với nhiều lĩnh vực quan trọng trong ưu tiên phát triển của ta, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển…
Về phần EU, đây là lĩnh vực EU có thế mạnh hàng đầu và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác đa dạng, vừa do nhu cầu của khối muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro, triển khai chiến lược phát triển xanh; vừa để nâng cao vai trò, vị thế toàn cầu. Cộng đồng quốc tế và EU đánh giá cao những cam kết và hành động mạnh mẽ thiết thực của Việt Nam, bao gồm các cam kết giảm phát thải, việc tham gia Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham dự Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu (GGF) do EU tổ chức tại Brussels (Bỉ,) nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam trong tăng trưởng xanh, được EU và các nước tham gia rất hoan nghênh. EU nhấn mạnh mong muốn hợp tác mạnh mẽ với ta để xây dựng “hình mẫu” hợp tác kiểu mới giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong lĩnh vực quan trọng này.
Cùng ngày 2/2 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm và kể từ sau đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và EU gặp mặt trực tiếp (tháng 12/2020, Việt Nam chủ trì Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 23 theo hình thức trực tuyến; trước đó HNBT ASEAN-EU lần thứ 22 được tổ chức trực tiếp tại Brussels tháng 1/2019).
ASEAN và EU là hai tổ chức có vai trò chủ đạo tại hai khu vực và cũng là hình mẫu thành công nhất hiện nay trên thế giới. Kể từ khi thiết lập quan hệ đối ngoại năm 1977, sau 45 năm phát triển, đến nay hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tháng 12/2022. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần này là sự tiếp nối, phát huy kết quả quan trọng của Hội nghị cấp cao vừa qua, qua đó thúc đẩy quan hệ hai bên lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả và chiến lược. |
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (12/2022). Năm 2023, hai bên cũng kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp. Triển vọng của quan hệ hợp tác trong thời gian tới, trong cả quan hệ song phương cũng như trên trường quốc tế, các diễn đàn đa phương sẽ như thế nào, thưa Đại sứ? Đâu sẽ là trọng tâm hợp tác giữa hai bên trong những năm tiếp theo?
Quan hệ Việt Nam-Bỉ đã phát triển vượt bậc thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm chính thức Bỉ rất thành công của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (12/2022). Lãnh đạo và nhân dân hai nước gắn bó khăng khít qua một loạt các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là các đoàn vào Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Liên bang Bỉ (8/2023), Bộ trưởng Thủ hiến Vùng Flander, Bỉ cùng đoàn doanh nghiệp (9/2023), đoàn doanh nghiệp vùng Wallonie (12/2023).
Các đoàn sang Bỉ của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (11/2023), các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2/2023), Bộ Tài chính (7/2023), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (9/2023), Bộ Công Thương (12/2023), cũng như đoàn lãnh đạo các địa phương và cơ quan khác. Dự kiến năm 2024, Nhà vua Bỉ sẽ thăm chính thức Việt Nam, là chuyến thăm duy nhất ra ngoài khối EU của Nhà vua trong năm nay.
Các chuyến thăm này, cùng với các hoạt động kết nối kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư dồn dập thời gian qua, là nền tảng vững chắc để hai bên khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác. Bỉ hiện là Đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng ngoài nông nghiệp Bỉ cũng là quốc gia có thế mạnh vượt trội về cơ sở hạ tầng, cảng biển, năng lượng (hydrogen) và y tế và dược phẩm. Đây là những lĩnh vực rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu của ta và khả năng của bạn, cần phải tích cực tận dụng cơ hội để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Bỉ là Chủ tịch đương nhiệm của EU trong 6 tháng đầu năm 2024, cũng là một trong những thành viên sáng lập, có vai trò và tiếng nói tại EU. Vừa qua tại WEF Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo với vai trò là Chủ tịch EU. Do vậy, ngoài hợp tác song phương Việt Nam-Bỉ, ta cần tăng cường phối hợp cùng Bỉ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU.
Dù đã có “đường cao tốc” EVFTA và EU cũng là khu vực mà Việt Nam có nhiều cơ quan đại diện ở nước ngoài nhất nhưng trong một lần chia sẻ, ông từng thừa nhận giá trị xuất khẩu hàng của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm khá khiêm tốn, khoảng 1,7% trong tổng nhập khẩu của EU lên tới 3.000 tỷ Euro. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cần làm gì để cải thiện con số này và để hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường EU?
Thúc đẩy hợp tác kinh tế nói chung và thương mại và đầu tư nói riêng giữa Việt Nam và EU cần được đổi mới, đẩy mạnh trong thời gian tới. EU là một đối tác kinh tế quan trọng, có công nghệ cao, công nghệ nguồn và là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, đa dạng mặt hàng, đặc biệt những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng.
Nhu cầu nhập khẩu này có tính ổn định, giá cả cao, biên độ lợi nhuận lớn. Việt Nam có thế mạnh là một trong 4 nước châu Á có Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA). EU cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng và mong muốn hợp tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, hợp tác với EU cũng có nhiều thách thức: thị trường EU là thị trường tiêu chuẩn cao, hệ thống luật lệ phức tạp; khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải và logistics cao; và khác biệt về văn hóa tiêu dùng, trình độ phát triển.
Các mặt hàng của Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định của EU, đặc biệt là các quy định mới như chống phá rừng, tiêu chuẩn carbon, trách nhiệm giải trình… sẽ tác động mạnh mẽ đến nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và ảnh hưởng tới lợi ích từ EVFTA.
Các quy định mới như chống phá rừng, tiêu chuẩn carbon, trách nhiệm giải trình… sẽ tác động mạnh mẽ đến nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và ảnh hưởng tới lợi ích từ EVFTA. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Theo đó, Việt Nam cần có chiến lược toàn diện, bài bản để thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư một cách hiệu quả trong thời gian tới, trong đó phải: Xác định rõ nhu cầu và lĩnh vực ta muốn hợp tác, tập trung vào những sản phẩm, lĩnh vực mà ta có lợi thế cạnh tranh, có tác động lan tỏa, có khả năng tạo đột phá và có nhu cầu hợp tác; Xác định rõ địa bàn, đối tác tiềm năng để đạt hiệu quả xúc tiến thương mại đầu tư, giảm thiểu rủi ro và chi phí không cần thiết; Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư chuyên sâu tại thị trường EU để tạo sự hiểu biết lẫn nhau và kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước; đồng thời có hoạt động triển khai, giữ liên hệ và các hoạt động tiếp nối để duy trì đà hợp tác.
Với hệ thống các cơ quan đại diện lớn mạnh ở châu Âu, Đại sứ quán, Phái đoàn và các cơ quan đại diện sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới.