Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 29.9 phê duyệt các chính sách cải cách về vốn, giúp khai mở 100 tỉ USD vốn tài trợ mới nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực vào thập niên tới.
Đây là một trong những động thái mới nhất nhằm giúp châu Á – Thái Bình Dương đối phó biến đổi khí hậu và những khủng hoảng toàn cầu khác, trong những nỗ lực của ADB ngoài các sứ mệnh hỗ trợ phát triển và giảm nghèo.
Khai mở nguồn vốn
Theo thông cáo ngày 29.9, ADB cho biết những cải cách này được đưa ra thông qua bản cập nhật Khung An toàn vốn (CAF), giúp mở rộng các cam kết cho vay thêm gần 40%, lên khoảng 36 tỉ USD hằng năm. Sự gia tăng này có thể đạt được nhờ tối ưu tỷ lệ vốn hóa thận trọng trong khi duy trì khẩu vị rủi ro (mức độ chấp nhận rủi ro khi đầu tư tài chính để đổi lại kế hoạch, mục tiêu) tổng thể. Những cải cách này cũng tạo vùng đệm cho vay dự phòng nghịch chu kỳ để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB đang đối diện những cuộc khủng hoảng ngoài dự kiến.
Các biện pháp này sẽ cho phép ADB cung cấp lên đến 360 tỉ USD từ nguồn vốn tài trợ riêng của mình cho các quốc gia thành viên đang phát triển và khách hàng thuộc khu vực tư nhân trong thập niên tới. Song song đó, ADB sẽ duy trì được mức xếp hạng tín dụng AAA, với nguồn vốn với chi phí thấp và dài hạn cho các quốc gia thành viên đang phát triển. Cải cách còn bảo đảm xếp hạng tín dụng AAA của ADB thông qua việc đưa ra một kế hoạch phục hồi, giúp ngăn ngừa tình trạng hao mòn vốn trong các giai đoạn căng thẳng tài chính.
Cảnh báo nguy cơ
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết những nguồn lực mới sẽ giúp khu vực kiểm soát các cuộc khủng hoảng phức tạp, giải quyết bất bình đẳng giới và đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong bối cảnh thách thức hiện hữu của biến đổi khí hậu. “Năng lực cho vay bổ sung này sẽ được mở rộng và thúc đẩy hơn nữa thông qua những nỗ lực mới để huy động nguồn vốn trong nước và tư nhân, cũng như tối đa hóa tác động từ công việc của chúng tôi”, theo ông Asakawa.
Trước đó, ADB ngày 25.9 nhận định nhiều nước đang phát triển ở châu Á đối diện nguy cơ gia tăng từ những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, cũng như lãi suất cao trên thế giới. Theo AFP, ADB hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của nhóm các nước này trong năm nay xuống còn 4,7%, so với mức 4,8% đưa ra hồi tháng 4. Theo phân loại của ADB, nhóm này gồm 46 nền kinh tế mới nổi, trải dài từ Kazakhstan ở Trung Á cho đến Quần đảo Cooks ở Thái Bình Dương. Các thách thức khác bao gồm những mối đe dọa đối với an ninh lương thực từ hiện tượng thời tiết El Nino và chính sách giới hạn xuất khẩu của một số nước.
Giá lương thực và nhiên liệu tăng, cùng với hậu quả của đại dịch Covid-19 khiến các nước đang phát triển ở châu Á có thêm gần 70 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm ngoái, theo một báo cáo mới đây của ADB. Ngân hàng này định nghĩa mức nghèo cùng cực là sống nhờ chưa tới 2,15 USD (52.200 đồng)/ngày.
“Châu Á – Thái Bình Dương đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng đang cản trở tiến trình xóa đói giảm nghèo”, theo chuyên gia kinh tế trưởng Albert Park của ADB. Ngân hàng này ước tính đến năm 2030, khoảng 1,26 tỉ người tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á vẫn còn bị xem là “dễ tổn thương về kinh tế”.