Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn đạt được một thỏa thuận, Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia) cũng mong muốn đạt được điều tương tự khi Đảng Dân chủ vẫn đang nắm quyền.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại, bao gồm cả lập trường của Thủ tướng Israel về tư cách quốc gia của Palestine. Đồng hồ đang điểm, không còn nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận quan trọng này.
Các quan chức Mỹ hy vọng rằng việc gắn các đảm bảo quốc phòng với bình thường hóa có thể nhận được sự ủng hộ của Quốc hội “xứ cờ hoa”, nhưng thời điểm là rất quan trọng, vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn cho tình hình.
Thỏa thuận khó khăn…
Ả Rập Xê-út được cho là sẵn sàng chấp nhận một cam kết chính trị từ Israel về thành lập một nhà nước Palestine, thay vì một thỏa thuận mang tính ràng buộc hơn về bình thường hóa quan hệ với quốc gia Do Thái, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết hồi đầu tháng này.
Theo Reuters, Riyadh đang tìm kiếm một hiệp ước quốc phòng với Mỹ, và cách tiếp cận này được coi là một cách để phá vỡ thế bế tắc, 4 tháng kể từ khi nỗ lực bình thường hóa quan hệ Ả Rập Xê-út – Israel bị đình trệ bởi làn sóng xung đột bùng phát dữ dội ở Dải Gaza hồi tháng 10 năm ngoái.
Mắt thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng đến gần với những thay đổi không thể lường trước của thời cuộc, Ả Rập Xê-út mong muốn được trú dưới “chiếc ô an ninh” của Washington để vương quốc này yên tâm thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào Petrodollar và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ, nguồn tin của Reuters cho biết.
Nỗ lực ngoại giao của Riyadh diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tầm ảnh hưởng quân sự của Iran, quốc gia có các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq, Yemen, Lebanon, Syria và Gaza.
Để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán về việc công nhận Israel và đưa hiệp ước an ninh với Mỹ đi đúng hướng, các quan chức Saudi đã nói với những người đồng cấp Mỹ rằng Riyadh sẽ không yêu cầu Israel thực hiện các bước cụ thể để thành lập một nhà nước Palestine, mà thay vào đó sẽ chấp nhận một cam kết chính trị đối với giải pháp hai nhà nước, 2 nguồn tin cấp cao trong khu vực nói với Reuters.
Tuy nhiên, ông Abdelaziz al-Sagher, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh ở Jeddah, người quen thuộc với các cuộc thảo luận đang diễn ra, cho biết Riyadh và các nhà ngoại giao Ả Rập khác cũng hiểu rằng nếu không có áp lực cụ thể và nghiêm túc của Mỹ đối với Israel, tư cách quốc gia của Palestine mãi mãi sẽ không thể thành hiện thực.
…Nhưng đáng để thử
Một thỏa thuận khu vực lớn như vậy – được nhiều người coi là khó có thể thành công, nhưng đáng để thử ngay cả trước khi cuộc chiến Israel-Hamas tái bùng phát – vẫn sẽ gặp nhiều trở ngại chính trị và ngoại giao, đặc biệt là sự không chắc chắn về cuộc xung đột ở Gaza sẽ diễn tiến như thế nào.
Một hiệp ước trao cho quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới sự bảo vệ quân sự của Mỹ để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ định hình lại Trung Đông bằng cách hòa giải 2 kẻ thù truyền kiếp và ràng buộc Riyadh với Washington vào thời điểm Trung Quốc đang không ngừng tìm cách khuếch trương ảnh hưởng trong khu vực.
Một thỏa thuận bình thường hóa cũng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Israel trước đối thủ truyền kiếp Iran và mang lại cho Tổng thống Mỹ Joe Biden một chiến thắng ngoại giao để lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 5/11 tới.
Các quan chức Saudi đã kín đáo kêu gọi Washington gây sức ép với Israel nhằm chấm dứt chiến sự ở Dải Gaza và cam kết về một “chân trời chính trị” cho một nhà nước Palestine, đồng thời nói rằng Riyadh sau đó sẽ bình thường hóa quan hệ và giúp tài trợ cho việc tái thiết Gaza, một trong những nguồn tin khu vực cho biết.
“Thông điệp từ Vương quốc hàng đầu thế giới Ả Rập gửi tới Mỹ là: Trước tiên hãy dừng chiến tranh, cho phép viện trợ nhân đạo và cam kết một giải pháp công bằng và lâu dài để trao cho người Palestine một nhà nước”, ông al-Sagher nói với Reuters. “Không đạt được điều này, Ả Rập Xê-út không thể làm được gì”.
Tuy nhiên, vấn đề là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người dành phần lớn sự nghiệp chính trị của mình để phản đối nhà nước Palestine, đã bác bỏ thẳng thừng mọi nguyện vọng của Mỹ và Ả Rập về một nhà nước Palestine sau khi khói lửa ở Gaza lắng xuống.
“Bình thường hóa thực sự đòi hỏi – nếu không phải về mặt pháp lý, thì ít nhất là về mặt chính trị – một cam kết từ người Israel rằng họ sẵn sàng chấp nhận giải pháp hai nhà nước”, một trong những nguồn tin cấp cao trong khu vực nói với Reuters. “Nếu Israel ngừng tấn công quân sự vào Gaza – hoặc ít nhất là tuyên bố ngừng bắn – điều đó sẽ giúp Ả Rập Xê-út dễ dàng hơn trong việc xúc tiến thỏa thuận”.
Văn phòng truyền thông của Chính phủ Ả Rập Xê-út không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Minh Đức (Theo Reuters, Fox News)