Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm Nga (OPEC+) hôm 4/6 đã họp mặt tại Vienna, Áo để đưa ra các bước sản xuất tiếp theo, trong bối cảnh giá dầu toàn cầu vẫn chịu áp lực từ những lo ngại về kinh tế vĩ mô.
Các cuộc thảo luận đã xem xét cả việc cắt giảm sản lượng cụ thể và những thay đổi đối với sản lượng của mỗi thành viên.
OPEC+ đã cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày (chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu) bao gồm 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022 và cắt giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023 đến hết năm 2023.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 4/6 cho biết, tất cả các khoản cắt giảm tự nguyện, ban đầu được ấn định sẽ hết hạn sau năm 2023, giờ sẽ được gia hạn cho đến cuối năm 2024.
Trong khi đó, Ả Rập Xê-út tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 7 và có thể kéo dài thêm sau đó.
Theo Bộ năng lượng của Ả Rập Xê-út, sản lượng của nước này sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức giảm lớn nhất trong nhiều năm.
Vương quốc này là thành viên duy nhất của OPEC+ có đủ công suất và kho dự trữ để có thể dễ dàng giảm và tăng sản lượng.
Sản lượng dầu của OPEC+ do đó sẽ ở mức 40,463 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1 đến tháng 12/2024.
Giá dầu đã giảm trong 10 tháng qua bất chấp nhiều nỗ lực của các nhà sản xuất nhằm thắt chặt nguồn cung. Ả Rập Xê-út và các thành viên khác đã bất ngờ tuyên bố cắt giảm vào tháng 4, nhưng sau một thời gian ngắn tăng lên 90 USD/thùng, giá lại đảo chiều, giảm xuống gần 70 USD/thùng vào tuần trước.
Các nhà phân tích cho rằng mức giá này không đủ không đủ để Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất Trung Đông khác cân bằng ngân sách.
Hồi tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Ả Rập Xê-út cần giá dầu ở mức 80,90 USD/thùng để cân bằng ngân sách và tài trợ cho một số “dự án khổng lồ” mà hoàng tử Mohammed bin Salman hy vọng có thể chuyển đổi nền kinh tế.
Theo ông Giovanni Staunovo, một nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) tham dự cuộc họp của OPEC+, đây là một tuyên bố mạnh mẽ từ Ả Rập Xê-út vì 9 triệu thùng/ngày là mức rất thấp đối với vương quốc này. Công suất đầu ra tối đa của quốc gia này là gần 12 triệu thùng/ngày.
Sau thông báo của Ả Rập Xê-út, giá dầu tăng vọt vào sáng 5/6. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 1,1% lên giao dịch ở mức 76,98 USD/thùng, trong khi Dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,3% lên 72,66 USD. Giá dầu WTI trước đó đã tăng tới 4,6% trong khi Brent đạt đỉnh cao hơn 3,4%.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Reuters, Financial Times)