Theo đó, mâu thuẫn bùng phát vào tháng 10.2022, khi Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng dầu mỏ cùng với Nga. Hành động này khiến mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa quốc gia vùng Vịnh và Mỹ trở nên căng thẳng.
Hành động khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden giận dữ bởi trước đó ông đã cảnh báo Ả Rập Xê Út về hậu quả. Nhà Trắng lo ngại việc giảm nguồn cung sẽ khiến giá dầu tăng lên, làm gia tăng lạm phát và gây ảnh hưởng trong bối cảnh bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ khi đó sắp diễn ra.
Đáp lại, Thái tử Mohammed bin Salman được cho là đã sử dụng giọng điệu mang tính đe dọa với Mỹ về một thảm họa kinh tế. Theo The Washington Post, vị thái tử nói “sẽ không hợp tác với chính quyền Mỹ nữa” và cảnh báo sẽ có “hậu quả kinh tế lớn cho Washington”, dù không rõ lời đe dọa được nói trực tiếp với một quan chức Mỹ, hay do tình báo Mỹ nghe lén được các cuộc thảo luận nội bộ của Ả Rập Xê Út.
Vài tháng sau, lời đe dọa của vị thái tử được cho là đã mang lại hiệu quả. Những hậu quả như tuyên bố của ông Biden vẫn chưa xuất hiện. Thay vào đó, chủ nhân Nhà Trắng cử một loạt quan chức cấp cao đến Riyadh, trong bối cảnh Ả Rập Xê Út xích lại gần Trung Quốc.
Mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tuần này đến Riyadh gặp Thái tử Mohammed bin Salman. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với CNN rằng hai vị đã khẳng định cam kết chung về việc thúc đẩy ổn định, an ninh và thịnh vượng tại Trung Đông và rộng hơn.
Mỹ tuyên bố sẽ có hành động trừng phạt Ả Rập Xê Út vì giảm nguồn cung dầu
Trang Business Insider ngày 9.6 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng hành động của Ả Rập Xê Út được thực hiện trong bối cảnh nước này tìm kiếm một con đường giảm bớt phụ thuộc Mỹ.
“Ông Mohammed bin Salman rất muốn Washington biết rằng Mỹ cần Ả Rập Xê Út như vương quốc này cần Mỹ. Thái tử muốn ông Biden và tất cả người khác tại Washington tôn trọng chủ quyền và quyền ra quyết định của Ả Rập Xê Út để thúc đẩy lợi ích quốc gia”, Tổng giám đốc Giorgio Cafiero của hãng tư vấn nguy cơ địa chính trị Gulf State Analytics (Mỹ) nói.
Thông tin được rò rỉ cho thấy mâu thuẫn mới nhất trong mối quan hệ bất ổn giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út, vốn là đồng minh quan trọng tại Trung Đông. Khi còn tranh cử, ông Biden đe dọa Ả Rập Xê Út liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Dầu mỏ là yếu tố chính trong mối quan hệ giữa hai nước. Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong động thái có thể khiến Mỹ phẫn nộ thêm, Ả Rập Xê Út tuần trước quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ, nói rằng nhằm ổn định thị trường dầu.