Không chỉ giá liên tục đứng trên đỉnh, nghiên cứu giống của VN cũng khiến “cường quốc gạo” Thái Lan phải chạy theo. Vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới những năm gần đây ngày càng được củng cố, nâng cao.
Nông dân Thái đổ xô trồng giống lúa Việt
Cách đây 4 tháng, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài phản ánh sự lo lắng, “phản ứng dữ dội” của nhiều người khi giống lúa của VN bất ngờ xuất hiện trên những cánh đồng ở nước này.
Trong khi xuất khẩu gạo của VN bị phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống thì ngược lại Thái Lan có tính đa dạng về đầu ra. Điều này giúp họ duy trì sự ổn định trong hoạt động xuất khẩu. Nếu theo dõi các phiên đấu thầu của Indonesia có thể thấy, Thái Lan thà không nhận thầu chứ không giảm giá bán. Dĩ nhiên đây là vấn đề cần được phân tích sâu hơn, nhưng nó phần nào cho thấy họ không phụ thuộc đầu ra. Đối với VN, ngành gạo phản ứng rất nhạy với các thông tin thị trường nên nhiều doanh nghiệp dễ rơi vào khó khăn nếu không có chân hàng tốt hoặc hợp đồng cung ứng với đối tác uy tín.
Chuyên gia Phan Mai Hương
Tuy nhiên, đến ngày 13.8, trên chính tờ báo này lại đưa thông tin hết lời ca ngợi về tính ưu việt của giống lúa VN. Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), nói: Các giống lúa thơm đặc sản của nước này như Pathum Thani và KB 79 đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi bị nông dân loại dần ra khỏi quy trình sản xuất. Họ thay thế những giống này bằng các giống lúa VN với tên gọi là Khao Hom Phuang hay bản chất là Jasmine 85. Nguyên nhân là năng suất của các giống gạo Thái Lan hiện rất thấp, cụ thể như Pathum Thani từ 800 – 900 kg/rai (1.600 m2) trong khi giống lúa thơm VN lên đến 1.200 – 1.500 kg/rai. Một điểm đáng chú ý là giống của Thái thời gian sinh trưởng đến 4 tháng (120 ngày) và chỉ trồng được 1 vụ trong năm, ngược lại giống của VN thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ 90 – 100 ngày và có thể trồng quanh năm.
“Có đến 80% gạo đóng gói được bán ở Thái Lan là gạo Khao Hom Phuang của VN. Còn nông dân thì đổ xô trồng giống lúa của VN”, ông Charoen nói. Người đứng đầu ngành gạo Thái Lan cũng khuyến nghị chính phủ nên đầu tư nghiên cứu phát triển giống mới, đồng thời hợp pháp hóa giống của VN cho người dân sử dụng song song với giống địa phương để đẩy nhanh quá trình phát triển giống.
Chuyên gia Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, nói theo thông tin bà biết thì Thái Lan bắt đầu trồng giống lúa thơm của VN cách đây gần 2 năm và hiện tại diện tích đang phát triển rất nhanh. Đó là nhu cầu thực tế của sản xuất nên chính quyền chưa chính thức lên tiếng. Thời gian qua, công tác nghiên cứu phát triển giống của Thái Lan bị chậm 1 nhịp so với VN. Họ có một số giống mới nhưng nó vẫn còn “cứng cơm”, chưa đạt độ mềm và xốp như giống gạo của VN nên chưa được thị trường chấp nhận. Trong khi đó, các nhà thương mại cần phục vụ thị trường một cách tốt nhất và nhanh nhất nên họ muốn chính phủ Thái Lan chấp nhận và hợp pháp hóa giống này bằng cách hợp tác và trao đổi trực tiếp với Chính phủ VN.
“Ở VN hiện tại, tôi thấy có nhiều giống chất lượng tốt có thể phục vụ cho mục đích hợp tác và chuyển giao. Tuy nhiên, thật khó để có thể trả lời cho câu hỏi về tính khả thi của việc này. Vì cơ bản Thái Lan có những quy định rất ngặt nghèo về công tác lai tạo, sản xuất giống và ngay cả ở trong nước thì khu vực tư nhân cũng không được phép nghiên cứu phát triển giống. Chính vì vậy, việc lựa chọn hướng đi phục vụ nhu cầu phát triển hay bảo vệ tính toàn vẹn của thương hiệu gạo quốc gia là điều sẽ được thảo luận rất nhiều”, bà Hương thông tin.
Giá gạo Việt trở lại đỉnh bảng
Trong một diễn biến lạc quan khác, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) ngày 12.8 cho biết, giá gạo 5% của VN tăng 8 USD đạt mốc 570 USD/tấn. Ngược lại, sản phẩm cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm 4 USD xuống còn 561 USD/tấn, tương tự Pakistan giảm 7 USD xuống 548 USD/tấn. Như vậy, giá gạo VN đã trở lại đỉnh bảng xếp hạng sau khoảng nửa năm mất vị thế vào tay Thái Lan và có thời điểm là Pakistan.
Xuất khẩu kỷ lục
Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của VN đạt 5,3 triệu tấn và kim ngạch 3,3 tỉ USD; so với cùng kỳ năm 2023, tăng 8,3% về lượng, tăng 28% về kim ngạch. Đây là những con số kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo của VN.
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ chính khi chiếm thị phần 43,6% tương đương 2,3 triệu tấn và kim ngạch 1,4 tỉ USD. Indonesia đứng thứ 2 với thị phần gần 15%, tương đương trên 778.000 tấn và kim ngạch 481 triệu USD.
Tại thị trường Philippines, gạo VN đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan. Tờ The Nation của Thái Lan cho biết: Tận dụng nhu cầu của Philippines, Thái Lan đã đẩy mạnh nguồn cung và trong nửa đầu năm 2024 đã xuất khẩu thành công 300.000 tấn gạo, tăng 388% so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan cũng đạt thỏa thuận cung cấp thêm 130.000 tấn trong 6 tháng cuối năm 2024.
Cập nhật đến ngày 15.8, giá gạo 5% tấm của VN tăng thêm 5 USD lên mức 575 USD/tấn trong khi giá gạo Thái Lan đứng yên mức 561 USD/tấn, còn gạo Pakistan giảm thêm 2 USD xuống 542 USD/tấn. “Giá gạo 5% tấm của VN gần đây tăng nhanh và cao hơn Thái Lan 15 – 20 USD/tấn là đúng thực tế của thị trường”, bà Hương xác nhận.
Theo nhiều doanh nghiệp, giá gạo VN tăng nhanh là do một số doanh nghiệp gần đây trúng thầu số lượng lớn ở thị trường Indonesia. Bên cạnh đó, các thương nhân Philippines cũng tăng cường nhập hàng sau thời gian trì hoãn chờ chính sách giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15%. Cả hai thị trường này đều là khách hàng lớn nhất của VN và dự kiến tăng lượng nhập khẩu lên mức cao kỷ lục 4,3 triệu tấn với Indonesia và 4,6 triệu tấn ở Philippines. Ngoài ra, các thị trường khác cũng có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngay Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng giá gạo tăng 14% do nguồn cung thiếu hụt vì nắng nóng. Giá gạo ở Nhật đã đạt mức cao nhất 11 năm qua. Nhật Bản gần đây cũng đã công bố sẽ nhập khẩu 21.000 tấn gạo trong năm 2024.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), dự báo: Xu hướng giá gạo tiếp tục tốt cho đến cuối năm nay. Đến hết tháng 7 VN đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo. Nếu so sánh với con số xuất khẩu kỷ lục của năm 2023 là 8,1 triệu tấn thì chúng ta chỉ còn khoảng 3 triệu tấn cho 5 tháng còn lại của năm 2024. Hiện tại, cũng đang vào cuối vụ thu hoạch lúa hè thu. Từ nay đến cuối năm chúng ta còn thêm 1 vụ thu đông. Cả 2 vụ này đều không phải là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm. Nếu nhìn ở góc độ này, có thể thấy chúng ta không còn nhiều gạo để xuất nên có thể yên tâm về giá. Cũng vì lượng không còn nhiều nên điều mà nhiều người vẫn lo ngại về việc Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì nếu có xảy ra trong những tháng tới cũng ít có tác động đến thị trường VN.