Tin mới y tế ngày 15/8: Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 827/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia
Theo Quyết định, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hội đồng Y khoa Quốc gia có con dấu, tài khoản riêng và trụ sở đặt tại TP.Hà Nội.
Ảnh minh họa. |
Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3, Điều 24; khoản 2, Điều 25; khoản 3, Điều 120 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 9 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; nhiệm vụ khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Y tế kiêm nhiệm; Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: 1 Phó Chủ tịch Thường trực hoạt động chuyên trách, 1 Phó Chủ tịch là Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế kiêm nhiệm và 1 Phó Chủ tịch là Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thuộc Bộ Y tế kiêm nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhiệm kỳ của Phó Chủ tịch Thường trực hoạt động chuyên trách là 5 năm và có thể bổ nhiệm lại, nhưng không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ủy viên Hội đồng bao gồm đại diện các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đại diện các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; đại diện hội (hiệp hội) nghề nghiệp và chuyên gia ngành y tế; đại diện cơ quan quản lý nhà nước; trong đó có 1 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng. Số lượng Ủy viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia quyết định dựa trên nhu cầu thực tế của Hội đồng.
Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia do Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia được quy định trong Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có các Ban chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng. Thành viên của các Ban chuyên môn gồm một số Ủy viên Hội đồng và chuyên gia của các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe và hội (hiệp hội) nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có cơ quan giúp việc là Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia. Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập theo quy định của pháp luật.
Kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia bao gồm kinh phí phục vụ hoạt động của Hội đồng và Văn phòng Hội đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định và được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Y tế.
Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết định có hiệu lực thi từ ngày 13/8/2024.
Bộ Y tế yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm khiến 215 công nhân ở Vĩnh Long
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nhận được thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Bo Hsing, huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long, trong đó có hơn 215 người mắc và phải nhập viện để điều trị, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 2017/ATTP-NĐTT do Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long ký ngày 14/8 đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long khẩn trương triển khai điều tra, xử lý vụ nghi ngộ độc thực phẩm này.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Vĩnh Long chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên..
Đồng thời tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; Tạm đình chỉ hoạt động đơn vị cung cấp bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc.
Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Vĩnh Long tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm tra thực phẩm ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Bên cạnh đó, tuyên truyền đến người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Cùng đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Vĩnh Long thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 và Công văn số 3113/BYT-ATTP ngày 07/6/2024 của Bộ Y tế về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Thu hồi thuốc viên nén CALCERGY vi phạm mức độ 2
Sở Y tế Hà Nội ra thông báo thu hồi thuốc Viên nén CALCERGY (Colchicine 1mg), số GĐKLH: VN-21821-19, Số lô: WCY22001E, NSX: 01/6/2022, HD: 31/05/2025 do Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) sản xuất, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dược phẩm Bình Minh nhập khẩu.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản số 2250/SYT-NVD thông báo thu hồi lô thuốc CALCERGY không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, đến ngày 09/08/2024, Sở Y tế tiếp tục nhận được văn bản số 2764/QLD-CL của Cục Quản lý Dược về việc thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2.
Do vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn rà soát, thu hồi triệt để lô thuốc nêu trên; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Sở Y tế, Cục Quản lý Dược theo quy định. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị, cơ sở.
Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Trước đó, cũng về thu hồi mỹ phẩm, Sở Y tế Hà Nội có văn bản 3727/SYT-NVD thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Ginseng Beauty Cream với lý do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn Thủy ngân theo quy định.
Trước đó, ngày 6/8/2024, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc lô sản phẩm Ginseng Beauty Cream (Nhãn hàng Beaumore) – hộp 1 lọ 20g, trên nhãn ghi số lô: ARM24; NSX: 03/03/2024; HSD: 03/03/2027; SCB: 000360/24/CBMP-HCM; đóng gói và phân phối: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Khang Thịnh, địa chỉ: 30/110 Đỗ Nhuận, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM.
Do vậy, Sở Y tế Hà Nội thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Ginseng Beauty Cream (Nhãn hàng Beaumore) – hộp 1 lọ 20g nêu trên.
Sở Y tế đề nghị phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên đia bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Cảnh giác với u tuyến nước bọt
Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u lớn trên mặt. Khối u có đường kính lên đến 15cm bị chảy máu trong, dính hệ thống dây thần kinh, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được mổ kịp thời.
Theo chia sẻ của bệnh nhân D., 57 tuổi (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) khối u trên má phải đã xuất hiện trên mặt từ cách đây 14 năm nhưng chưa từng đi khám hay điều trị. Gần đây, khối u to nhanh gây đau, khó há miệng, cơ thể suy nhược, sút cân nhanh nên bà mới đi khám thì được biết khối u đã bị vỡ, chảy máu trong.
TS.Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân thể trạng gầy yếu, khối u tuyến mang tai trái có kích thước lớn nằm ở vị trí nguy hiểm, nguy cơ mất máu trong mổ cao.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, khối u có kích thước 10x15cm nằm sát nền sọ, dính bó mạch cảnh lên não trái, đẩy lệch đốt sống cổ nên các bác sĩ đã phải tính toán kỹ trước mổ để giảm thiểu tối đa tác động lên các dây thần kinh, hạn chế các biến chứng sau mổ như nhắm mắt không kín, méo miệng.
Theo các bác sỹ, u tuyến mang tai là một dạng của u tuyến nước bọt. Tuyến mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất trong cơ thể nằm ở vùng ngoài của mặt, gần góc hàm mỗi bên.
U tuyến nước bọt không hiếm gặp, 80% là lành tính và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu gặp ở trẻ em và người từ 60 tuổi trở lên, nguy cơ ác tính chỉ chiếm 20%.
Điều trị các khối u tuyến mang tai bằng phẫu thuật là chỉ định phổ biến, tuy nhiên, nếu phẫu thuật cắt bỏ khối u không triệt để có thể dẫn đến tái phát. Nếu điều trị sớm khi khối u nhỏ, việc phẫu thuật sẽ đơn giản hơn, bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.
Mặc dù trường hợp ác tính hiếm khi xảy ra nhưng các khối u lành tính đa dạng có nguy cơ biến đổi ác tính sau nhiều năm xuất hiện, thường từ 10-15 năm. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, đặc biệt là những người có khối u không bộc lộ triệu chứng.
TS.Đàm Trọng Nghĩa khuyến cáo khi xuất hiện các khối phồng vùng mang tai, góc hàm, người bệnh nên đi thăm khám và điều trị sớm, nhằm tránh các biến chứng, khám sớm và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-158-chinh-phu-thanh-lap-hoi-dong-y-khoa-quoc-gia-d222443.html