Kỳ tuyển sinh năm 2024 cho thấy sự tăng vọt số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm với mức tăng hơn 200.000 nguyện vọng so với năm ngoái. Điều này cho thấy sức hút mạnh trở lại của ngành này.
Nhu cầu tuyển dụng lớn, mức lương ổn định
Hà Thị Ánh, học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng), cho biết, em đã quyết định đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm sau khi cân nhắc kỹ về khả năng việc làm và thu nhập sau này.
“Gia đình em có mẹ và dì đều là giáo viên mầm non. Ban đầu, em không có ý định theo ngành Sư phạm vì thấy mẹ và dì đều quá vất vả, trong khi lương giáo viên chưa xứng đáng so với khối lượng công việc từ 7 giờ đến 17-18 giờ.
Với những chính sách mới, đặc biệt là quy định về lương và phụ cấp giáo viên hiện nay, em thấy nếu một giáo viên được hưởng lương cơ bản cũng có khoản thu nhập từ 5 triệu đồng đến cao nhất là hơn 15 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ cấp đứng lớp 30%. Mức thu nhập này có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt”, Hà Thị Ánh chia sẻ.
Với mức lương tốt, nhu cầu tuyển dụng cao bởi nhiều địa phương đang thiếu giáo viên, Hà Thị Ánh cho biết, em quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm dù có đỗ được vào nguyện vọng 1 là khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội hay không.
Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều tỉnh, thành vẫn chưa thể giải quyết trong thời gian trước mắt. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, ngành giáo dục đang thiếu hơn 118.000 giáo viên ở các cấp học tại nhiều địa phương trên cả nước.
Tại Thành phố Hà Nội, ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), cho biết, dù là một trong những trường tốp đầu của thành phố nhưng năm học 2024-2025 nhà trường vẫn phải tuyển hàng loạt giáo viên hợp đồng, từ các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đến một số môn lựa chọn như Lịch sử, Vật lý…
Với nhiều trường tư thục ở Hà Nội, tình trạng thiếu giáo viên cũng đang rất nan giải và buộc các trường này phải tuyển cả sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, với hy vọng sẽ bồi dưỡng, kèm cặp, hỗ trợ trong quá trình đứng lớp.
Chuyển dịch nhanh về xu hướng lựa chọn ngành đào tạo
Năm 2024 đánh dấu sự tăng vọt về số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2024, ngành Sư phạm có số thí sinh đăng ký nhiều nhất trong 4 năm trở lại đây, tăng khoảng 200.000 nguyện vọng, tương đương tăng 85% so với năm ngoái. Số nguyện vọng tăng trải đều vào các trường đào tạo Sư phạm trên cả nước.
Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực thì 4 lĩnh vực thu hút nhiều thí sinh nhất là Sư phạm, kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, máy tính. TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết:
Trường nhận được khoảng 40.000 nguyện vọng (cho cả ngành đào tạo giáo viên và ngoài Sư phạm). Trước đó, với các phương thức xét tuyển sớm, nhà trường đã ghi nhận số nguyện vọng tăng mạnh. Thí sinh đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của trường tăng gấp 2,5 lần năm ngoái.
Với trường ĐH Đà Lạt, tổng số nguyện vọng đăng ký năm 2024 là khoảng 15.000, còn tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số nguyện vọng đăng ký lần lượt là 32.900 và 51.600; tăng khoảng 1,9 – 2,2 lần so với năm 2023.
Với số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh, dự kiến điểm chuẩn ngành Sư phạm năm nay cũng sẽ tăng mạnh. TS. Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, điểm chuẩn các ngành Sư phạm Toán, Văn, Anh của cơ sở này có thể lên tới 29, tăng 1 – 2 điểm; các ngành khác thuộc nhóm đào tạo giáo viên khả năng tăng trong khoảng 1 điểm.
Tương tự, với trường ĐH Sư phạm Hà Nội, TS. Trần Bá Trình nhận định, mức tăng chung có thể là 0,25 – 1 điểm. Một số ngành giảm chỉ tiêu so với năm ngoái như Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, điểm chuẩn có thể cao hơn 1 – 2 điểm.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/ly-do-khien-nganh-su-pham-nam-nay-hut-thi-sinh-20240816133134694.htm