Vĩnh Phúc: ‘Vốn mồi’ khuyến công phát huy hiệu quả Vì sao khuyến công Điện Biên chưa phát triển? |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình – về các hoạt động khuyến công của đơn vị trong thời gian qua.
Xin ông cho biết, năm 2024, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Bình dành nguồn lực cho hoạt động khuyến công tỉnh ra sao? Chương trình khuyến công năm nay tập trung chính vào hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nào?
Năm 2024, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Bình về nguồn lực và công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, mang lại luồng sinh khí mới để khích lệ các cơ sở tiếp tục đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho hoạt động khuyến công từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương vẫn chưa tương ứng với nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Với thực tế đó, trung tâm sẽ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; chú trọng hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ cho các cơ sở đầu tư vào các ngành có lợi thế của tỉnh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch; hỗ trợ thiết kế, in ấn nhãn mác, bao bì sản phẩm…, theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến sự phát triển sản xuất bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Quảng Bình.
Ông Dương Văn Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (trong cùng) cùng lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình kiểm tra mô hình được hỗ trợ bởi chương trình khuyến công |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay còn nhiều doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, trong khi nguồn lực khuyến công có hạn. Làm thế nào để phát huy được hiệu quả nguồn vốn khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp, thưa ông?
Với nguồn lực khuyến công có hạn, trung tâm tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực ngoài kinh phí khuyến công tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Tìm kiếm, chọn lọc, phân loại các cơ sở công nghiệp nông thôn để ưu tiên hỗ trợ vốn khuyến công theo hướng đầu tư có trọng điểm, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị, khoa học – công nghệ mới vào phát triển sản xuất theo hướng sản xuất bền vững, sản xuất công nghệ xanh, công nghệ sinh học tái tạo mà đặc biệt là ngành nghề giải quyết được nhiều lao động địa phương tạo sinh kế cho con em trong tỉnh ổn định công việc và thu nhập tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của vốn khuyến công trong thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình?
Có thể nói, nguồn vốn khuyến công đã có tác động hiệu quả đến sự phát triển không ngừng của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Chính sách khuyến công đã khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần tăng cường sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tác động tích cực đến nhận thức của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu rõ về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng đó là sự khẳng định hướng đi đúng của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong phát triển kinh tế, được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, giúp chủ đầu tư, doanh nghiệp vững tin trong quá trình đầu tư. Các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi nhận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã có sự phát triển cả về quy mô cũng như chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành Công Thương tỉnh Quảng Bình.
Song song với hoạt động khuyến công, đơn vị còn có những hỗ trợ gì cho doanh nghiệp sản xuất và thương mại hóa sản phẩm hiệu quả, thưa ông?
Thông qua nguồn khuyến công, trung tâm đã hỗ trợ về nhãn mác, bao bì sản phẩm nhằm cải tiến mẫu mã bao bì hộp đựng mới, làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh hơn, thể hiện thế mạnh sản phẩm rõ nét nhất và định vị sản phẩm trong tâm thức của người tiêu dùng; đặc biệt là khách du lịch. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo động lực để cho các cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối, mở rộng thị trường và tiếp tục nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm mới chất lượng, góp phần mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình cùng đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tại cơ sở được hỗ trợ nguồn vốn khuyến công |
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước, đã tạo cơ hội cho các cơ sở công nghiệp nông thôn được tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc trực tiếp trưng bày, quảng bá giới thiệu hàng hóa, các đơn vị tham gia đã có cơ hội giao lưu học hỏi, tiếp cận, tìm kiếm các bạn hàng đến từ các địa phương trong cả nước; tăng cường khả năng kết nối, hợp tác đầu tư qua đó đã có nhiều đơn hàng có giá trị cao được ký kết sau mỗi đợt tham gia các chương trình.
Xin ông cho biết, trong triển khai chương trình khuyến công còn những khó khăn, hạn chế nào? Đơn vị có đề xuất gì đến UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa hình thành mạng lưới cán bộ làm công tác khuyến công từ huyện đến xã, hầu hết các cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thị xã, thành phố là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Do vậy, công tác nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đề án khuyến công tại địa phương gặp nhiều khó khăn; hiện vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận về nội dung cũng như thông tin hỗ trợ kinh phí khuyến công.
Ông Dương Văn Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình |
Kinh phí thực hiện khuyến công hàng năm chỉ mới dừng lại ở ngân sách nhà nước hỗ trợ và đối ứng của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia vào hỗ trợ hoạt động khuyến công. Số cơ sở công nghiệp nông thôn đa phần là cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi nhu cầu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới khá lớn, nhưng mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công chỉ là động viên, khuyến khích nên số cơ sở tham gia thực hiện đề án không nhiều. Các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn tập trung nhiều ở khâu chế biến thô, chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào chế biến sâu để tăng cường giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Đối với trung ương, đề nghị Bộ Công Thương rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về công tác khuyến công, bảo đảm phù hợp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Trung tâm cũng mong muốn Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho các đề án sớm hơn để tạo điều kiện chủ động triển khai thực hiện.
Đối với địa phương, đề nghị UBND tăng cường nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động khuyến công; đồng thời, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác trên địa bàn tỉnh để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức của toàn xã hội, để tạo động lực phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn như mục tiêu của chương trình khuyến công tỉnh Quảng Bình đã đưa ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/quang-binh-nguon-von-khuyen-cong-mang-sinh-khi-moi-cho-doanh-nghiep-339268.html