Chiều 24-8, họa sĩ Văn Tòng cho PV báo Người Lao Động biết ông đã hoàn thành bức tượng 3D của NSƯT Vũ Linh.
Họa sĩ Văn Tòng bên bức tượng 3D của cố NSƯT Vũ Linh
“Cộng đồng mạng bàn tán đây là bức tượng làm bằng sáp. Trên thực tế đây là bức tượng 3D kết hợp mỹ thuật thủ công cổ truyền của Việt Nam với chất liệu composite. Tôi thực hiện nhằm mục đích tặng cho gia đình cố NSƯT Vũ Linh sẽ được đặt tại khu mộ của anh ở Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương ngày 29-8 tới, nhân dịp gia đình tổ chức cúng lễ chay tăng mùa Vu lan báo hiếu” – họa sĩ Văn Tòng cho biết.
Bức tượng sẽ được trưng bày để công chúng đến xem và thắp hương tưởng nhớ người nghệ sĩ đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam, sau đó chuyển về nhà riêng đặt tại bàn thờ của cố nghệ sĩ.
Họa sĩ Văn Tòng cho biết thêm, đây là lần đầu tiên ông thử nghiệm thực hiện tượng nghệ sĩ dựa theo hình ảnh mà gia đình cung cấp. “Tôi cũng có ý định thực hiện thêm bức tượng của cố NSND Thanh Tòng và gia đình cũng đã đồng ý, tuy nhiên đến nay NSƯT Quế Trân chưa gửi hình ảnh để có thể dựa theo đó mà thực hiện” – họa sĩ Văn Tòng nói.
Bức tượng 3D của NSƯT Vũ Linh
Theo ông, mỗi bức tượng làm theo công nghệ này giá thành từ 70 đến 80 triệu đồng/bức. Bức tượng này có thể trưng bày bền bỉ theo thời gian. Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu trong vai trò nhà thiết kế mỹ thuật, họa sĩ Văn Tòng (sinh năm 1951) luôn âm thầm đứng sau thành công nghệ thuật của nhiều chương trình sân khấu.
Ông cho biết cách đây 10 ngày, ông bị tai biến nhẹ, hiện được điều trị vật lý trị liệu. Tuy nhiên, ông vẫn dành công sức để thực hiện bức tượng ý nghĩa này vì ông ngưỡng mộ tài năng của cố NSƯT Vũ Linh.
Họa sĩ Văn Tòng là nhà thiết kế tài hoa, đã tham gia thiết kế, dàn dựng và làm mô hình mỹ thuật cho sân khấu hơn 50 năm qua. Với những thành tựu đạt được, họa sĩ Văn Tòng được nhiều đạo diễn gọi là “vua mô hình mỹ thuật sân khấu”, ông đã thực hiện hàng trăm tác phẩm sân khấu có kích cỡ hoành tráng.
Bức tượng 3D của cố NSƯT Vũ Linh
Họa sĩ Văn Tòng cũng từng gây ấn tượng lớn về mô hình sân khấu là tại sân vận động Thống Nhất TP HCM trong lễ bế mạc sự kiện “Sài Gòn 300 năm” năm 1998. Từ bước ngoặt này, mỗi khi sân khấu hoành tráng cần các mô hình mỹ thuật đặc biệt, giới làm sự kiện thường nghĩ đến ông.
Họa sĩ Văn Tòng cũng từng rất thành công với sân khấu “Hào khí 300 năm Biên Hòa – Đồng Nai” năm 1998, “Sài Gòn – TP HCM bước vào năm 2000”, “Festival Huế”, “Festival Gốm sứ Việt Nam”, “Festival Dừa Bến Tre”, “1.000 năm Thăng Long”, chương trình giao lưu “Thăng Long – Hồn thiêng sông núi” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chương trình Đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của bộ môn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại TP HCM, Ngày Hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc …
Trước năm 1975, ở tuổi đôi mươi, Văn Tòng theo hai họa sĩ Nguyễn Quyền và Thiếu Linh học nghề thiết kế sân khấu trong 5 năm. Ngay sau 1975, khi các Đoàn Sài Gòn 1, 2, 3 được thành lập, họa sĩ Văn Tòng về làm thiết kế sân khấu cho 3 đoàn này. Sau đó ông về Đoàn kịch nói Bông Hồng, rồi làm cộng tác viên của Sở Văn hóa TP HCM, Nhà hát Trần Hữu Trang nhiều năm trước khi mở xưởng riêng.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/tac-gia-buc-tuong-3d-cua-nghe-si-vu-linh-noi-gi-khi-bi-don-lam-bang-sap-20230824143243958.htm