Đơn hàng xuất khẩu dồi dào
Ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cho biết, doanh nghiệp may mắn khi có lượng đơn hàng “dồn dập”, kết quả kinh doanh có nhiều khởi sắc.
Kết thúc quý II/2024, TCM ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 847 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng tới 60%, lên 153 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh và thuế, doanh nghiệp này thu về 72 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 31 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 quý trở lại đây của công ty này.
Về tình hình đơn hàng, đến thời điểm hiện tại, TCM cho biết đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 4.2024.
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.
Không khí làm việc của các tổ may tại Công ty Cổ phần May Hồ Gươm những ngày này cũng rất hối hả. Dù vất vả, nhưng ai cũng biết rằng, có được đơn hàng lúc này là điều đáng trân trọng, bởi hiện nay, nhiều thị trường hàng xuất khẩu còn gặp khó khăn.
Trao đổi với Lao Động, ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm – cho biết, công ty có nhiều đơn đặt hàng đến hết tháng 9, thậm chí một số chủng loại có đơn đến quý III và đang tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để có thêm doanh thu. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.000 tỉ đồng và chắc chắn sẽ đạt được.
Sản xuất phục hồi ở hầu hết địa phương
Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết, sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng diện rộng ở hầu hết tỉnh thành, đặc biệt địa phương trọng điểm.
“Kết quả này phản ánh nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023”, bà Thắng nói, thêm rằng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã quay lại, trở thành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng.
Theo bà Thắng, năng lực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong nước phục hồi tích cực, niềm tin vào thị trường ngày càng lớn, tích cực qua các tháng đầu năm. Tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, các chính sách trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án ODA đã phát huy hiệu quả. Thu hút FDI khả quan cũng giúp tăng năng lực cho nền kinh tế; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội gia tăng đơn hàng từ các FTAs thế hệ mới.
Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, cải thiện nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cùng xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.
Song, Thứ trưởng Phan Thị Thắng thừa nhận nền kinh tế, sản xuất công nghiệp còn nhiều thách thức phải đối mặt.
“Dù cải thiện nhiều, nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu”, bà nói. Chưa kể, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp…
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/don-hang-nhieu-doanh-nghiep-xuat-khau-bang-bang-ve-dich-1380268.ldo