Chuyến thăm của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh nỗ lực từ các bên nhằm tìm kiếm giải pháp cho hòa bình tại Dải Gaza.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas tại Moscow, ngày 13/8. (Nguồn: AFP) |
Ngày 12-14/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thăm Nga, hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin. Một ngày sau, ông tới thủ độ Ankara, phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và hội đàm với Tổng thống Tayyip Erdogan. Có gì trong chuyến công du của ông Abbas giữa thời khắc “nước sôi lửa bỏng”?
Lợi cả đôi bên
Tại Moscow, Tổng thống Mahmoud Abbas đã có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin sau sáu năm. Đáng chú ý, khác với lần trước, lần này diễn ra trong bối cảnh Dải Gaza trở thành chiến trường cho xung đột giữa Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và phong trào Hamas.
Ngay trước chuyến thăm, ngày 10/8, cuộc không kích của IDF vào trường học ở thành phố Gaza, nơi Israel cho là căn cứ quân sự của Hamas khiến 93 người thiệt mạng, nâng số người Palestine thiệt mạng từ tháng 10/2023 lên trên 40.000 người. Tuy nhiên, IDF khẳng định, Hamas đã thổi phồng con số thương vong trong vụ tấn công vào trường học hôm 10/8.
Trong bối cảnh đó, không khó hiểu khi trọng tâm cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Palestine và Nga xoay quanh tình hình tại Dải Gaza và Trung Đông. Tại đây, ông Abbas nêu rõ: “Liên hợp quốc (LHQ), dưới áp lực từ Mỹ, đã thất bại khi chưa thể thông qua giải pháp để bảo vệ quyền lợi của người Palestine”. Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên nhẫn, kiên định về bảo vệ lãnh thổ và đề nghị chấm dứt giao tranh, ngừng việc di dời người Palestine và tăng cường viện trợ nhân đạo”.
Đáng chú ý, ông Abbas đưa ra tuyên bố trên cùng lúc Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức họp khẩn cấp theo đề xuất của Algeria về tình hình Trung Đông, trong đó vấn đề Gaza là trọng tâm. Tổng thư ký Antonio Guterres đã chỉ trích vụ tấn công vào trường học và hoan nghênh sáng kiến của Ai Cập, Qatar cùng Mỹ về tiến tới một lệnh ngừng bắn, trả tự do con tin và cứu trợ nhân đạo. Về phần mình, Phó Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nhận định Hội đồng Bảo an nên cân nhắc giải pháp có thể góp phần hạ nhiệt căng thẳng ở Gaza như phương án thị sát chung tới vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, hội đàm với vị khách từ Trung Đông, Tổng thống Vladimir Putin “tin tưởng để bảo đảm hòa bình bền vững, kéo dài và ổn định ở khu vực, cần thành lập một nhà nước Palestine hoàn chỉnh”. Người đứng đầu xứ bạch dương khẳng định nước này “quan tâm và thấu hiểu nỗi đau lớn” tại Palestine. Tính đến nay, Nga đã gửi 700 tấn viện trợ gồm hàng hóa, nhu yếu phẩm các loại tới Dải Gaza.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, Nga cần thể hiện vai trò tích cực hơn nữa trong xung đột tại Dải Gaza. Tháng 10/2023, nghị quyết do Nga đề xuất tại Hội đồng Bảo an về ngừng bắn ở Dải Gaza đã bị Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản phủ quyết.
Tháng 2/2024, hội thảo giữa Hamas, Fatah và lực lượng Hồi giáo Jihad ở Palestine do Nga chủ trì khép lại mà không có kết quả. Giáo sư Samuel Ramani tại Đại học Oxford (Anh), tác giả cuốn sách “Nước Nga tại châu Phi”, nhận định cuộc gặp giữa ông Putin và ông Abbas không chỉ thể hiện quan điểm của Nga về Palestine, mà còn góp phần củng cố quyền lực mềm của nước này tại Trung Đông.
Ở chiều ngược lại, ông Abbas tái khẳng định sự ủng hộ của Nga, một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, về vấn đề Palestine, đồng thời kêu gọi Moscow không ủng hộ hoạt động quân sự của Israel tại Dải Gaza. Điều này được phản ánh trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova về vụ tấn công của Israel ngày 10/8, khi bà kêu gọi Israel “ngừng tấn công dân thường” và “chúng tôi tin rằng không có bất kỳ lý do nào cho hoạt động như vậy”.
Người bạn mới
Trong khi đó, chuyến thăm của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh mối quan hệ ngày một gần gũi giữa hai quốc gia này. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, việc nước này mời ông Abbas thăm và phát biểu trước Quốc hội là một phản ứng trước sự kiện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 24/7, nơi ông được hoan nghênh nhiệt liệt cùng những tràng pháo tay.
Từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát, Ankara chỉ trích mạnh mẽ Nhà nước Do Thái, khiến quan hệ song phương tổn hại nghiêm trọng. Đầu tháng Năm, Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ tất cả hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu tới Israel, vốn từng đạt 6,8 tỷ USD (2023). Thậm chí, Tổng thống Tayyip Erdogan để ngỏ việc đưa quân đội “tiến vào Israel” giúp người Palestine, dù khả năng này là không cao. Với tư cách thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ankara đã bỏ phiếu chặn hợp tác giữa khối này với Israel vì xung đột tại Dải Gaza.
Việc tiếp đón trọng thị ông Abbas phản ánh lập trường rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ về xung đột tại Dải Gaza, qua đó củng cố quan hệ với các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh nói riêng, vị thế, vai trò của nước này ở khu vực Trung Đông nói chung.
Về phía Palestine, chuyến thăm phản ánh thực tế rằng có không ít quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục ủng hộ nước này, với mục tiêu cao nhất là chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình ở mảnh đất Gaza nhiều sóng gió, đau thương.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tong-thong-palestine-toi-nga-va-tho-nhi-ky-chuyen-tham-dac-biet-282680.html