Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn và tôn vinh nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của dân tộc Cor.
Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor đã gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của họ qua nhiều thế hệ. Cây nêu không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn mà còn là cầu nối tinh thần giữa người Cor và thần linh.
Cây nêu cao nhất, thường được dựng vào dịp Tết Ngả rạ, có chiều cao từ 10 đến 15 mét, được trang trí hoa văn hai màu đen đỏ, tượng trưng cho trời và đất.
Phần thân cây nêu được treo những bộ Gu, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng gỗ đặc trưng chỉ có ở người Cor. Bộ Gu là những họa tiết tâm linh, phản ánh sự phong phú trong văn hóa dân gian của tộc người này.
Cùng với bộ Gu, cây nêu còn có những con chim chèo bẻo bằng gỗ, biểu tượng cho chim trời do thần linh phái xuống giúp đỡ người Cor.
Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor thực hiện các nghi lễ cúng bái rất trang trọng và thiêng liêng, thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh. Chim chèo bẻo trên đỉnh cây nêu được xem là chim của thần linh, nên người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn thịt loài chim này.
Việc công nhận nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc mà còn góp phần bảo tồn và phát huy di sản quý báu này cho các thế hệ tương lai.
Trọng Nhân
Nguồn: https://www.congluan.vn/nghe-thuat-trang-tri-cay-neu-cua-nguoi-cor-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-post307730.html