Theo nhiều phụ huynh chia sẻ, việc mua sách rất khó khăn, nếu chỉ đi một nhà sách khó có thể mua đủ loại sách theo yêu cầu của nhà trường.
Đơn cử, tại nhà sách Hải An đa số trưng bày các loại sách của Chân trời sáng tạo, chỉ có một số cuốn của Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Hiện nhà sách đã triển khai nhập sách giáo khoa, song có bộ nhiều, bộ ít, có những bộ không có hàng để nhập. Thường nguồn sách Chân trời sáng tạo sẽ dồi dào, còn nguồn sách của Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống khan hiếm hơn.
Tại nhà sách Phương Nam (quận Tân Bình), hiện sách không đủ các loại để cung cấp, trong đó sách lớp 5 vì mới làm lại nên luôn rơi vào tình trạng thiếu; sách lớp 6, 7, 8 thiếu các cuốn thuộc bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhìn chung, tất cả khối học đều ít nhiều bị “lủng” sách ở một số môn.
Nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ và Fahasa Tân Bình cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu sách ở mỗi khối, dù số lượng sách Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống khá cân bằng và ổn định.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện nhập kho 95% so với kế hoạch đối với sách giáo khoa các lớp. Dự kiến ngày 15.8, sẽ cung ứng đủ 100% sách giáo khoa mới bảo đảm đủ sách cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Về tình trạng thiếu sách giáo khoa, theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do đặc thù của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, quyền lựa chọn sách sẽ do trường và tổ chuyên môn của trường lựa chọn, từ đó một bộ sách có thể có nhiều sách giáo khoa do các đơn vị khác nhau cùng xuất bản.
Một số đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng tại địa bàn nên hạn chế nhập hoặc nhập không đủ các đầu sách, phần lớn chỉ nhập các môn học chính để giảm thiểu rủi ro tồn kho.
Trước tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường thông tin, công khai danh mục sách giáo khoa ở từng khối lớp sử dụng từ năm học 2024-2025 đến phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức: website trường, fanpage của trường, bảng thông báo, qua công tác tư vấn học sinh lớp đầu cấp, qua giáo viên chủ nhiệm.
Theo Sở GD-ĐT, hiện sách giáo khoa ở mỗi khối lớp sử dụng trong nhà trường có thể sẽ gồm từ 2-3 bộ sách khác nhau, do Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường quyết định lựa chọn.
Để tạo thuận lợi nhất cho học sinh trang bị sách, cũng như tránh tình trạng mua phải sách giả, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường cần chủ động liên hệ, phối hợp với các nhà xuất bản hỗ trợ cung ứng sách giáo cho học sinh. Đặc biệt là sách giáo khoa ở các khối lớp 5,9,12. Bởi, đây là các khối lớp sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học này. Theo đó, trường sẽ thống kê số lượng sách giáo khoa phụ huynh nhu cầu đăng ký mua để thông tin đến các nhà xuất bản, nhằm cung ứng đủ sách giáo khoa.
Ngoài các đầu sách được lựa chọn giảng dạy, các trường cần trang bị thêm các bộ sách đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh nghiên cứu, tham khảo, phục vụ việc học tập, giảng dạy.
Đặc biệt, các trường cần có giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn về sách giáo khoa cho năm học mới, qua việc vận động mạnh thường quân, trang bị sách trên thư viện để học sinh mượn. Tuyệt đối không để học sinh nào không có sách trong năm học mới.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/tp-ho-chi-minh-khong-de-hoc-sinh-khong-co-sach-trong-nam-hoc-moi-i384080/