Sản lượng tăng gấp đôi
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được chia làm 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 19/12/2023.
Tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 1.
Sau khi khởi công, chủ đầu tư dự án thành phần 1 và các đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai thi công, tuy nhiên tiến độ thực hiện đến nay còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án và hoàn thiện các thủ tục theo quy định, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo chủ đầu tư tiểu dự án GPMB phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tập trung giải quyết dứt điểm 0,16km mặt bằng còn lại và 1 vị trí đường điện cao thế (110kV) để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công.
Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình Công ty CP Đầu tư – Xây dựng và Kỹ thuật VNCN, nhà thầu phụ trách thi công 9,4km dự án thành phần 1 cho biết, gói thầu có 9 cây cầu.
Đến nay, tiến độ thi công gói thầu đạt hơn 30%, các cây cầu sẽ được nhà thầu cơ bản hoàn thành trong năm 2024.
“So với lúc chưa có cát về công trường thì hiện nay, tiến độ thực hiện công việc hàng ngày tăng gấp đôi. Nhà thầu cũng đang tranh thủ mọi điều kiện để tăng tốc thi công”, ông Tuân nói.
Tương tự, ông Nguyễn Doãn Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An – nhà thầu thi công gói thầu dài 3,5km dự án thành phần 1 cho biết, sau khi cát về công trường, nhân lực và máy móc được huy động tối đa.
Đến nay, tiến độ gói thầu đạt gần 44%. Trong đó, việc thi công 8 cây cầu đạt 60%, mục tiêu hoàn thành trong năm nay.
Ông Hưng cho biết thêm, phần đường đã có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi có cát về công trường. Hiện tại, nhà thầu đang được phân bổ 890m3 cát/ngày. Nhờ có cát về công trường nên tiến độ thi công được duy trì.
Kiến nghị nâng công suất mỏ cát
Theo ông Nguyễn Doãn Hưng, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đã tăng cường nhân lực, máy móc và tổ chức thi công theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế.
Trên công trường, công ty đã bố trí 200 công nhân cùng 40 máy móc, thiết bị. Trong đó, 70% công nhân phụ trách thi công cầu, số còn lại thực hiện phần đường. Tuy nhiên, hiện số lượng cát hàng ngày nhà thầu được nhận chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu thực tế.
“Tất cả các vị trí thi công đều đã sẵn sàng. Do vậy, chúng tôi rất mong việc nâng công suất khai thác mỏ cát sẽ sớm được thực hiện”, ông Hưng chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Quang Tuân, gói thầu thi công do công ty thực hiện cần 1,7 triệu m3 cát đắp nền đường. Nhà thầu cũng được giao khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù và phân bổ cho các nhà thầu cùng tham gia thi công.
Mỗi ngày, sau khi trừ số lượng cát đã phân bổ, nhà thầu còn khoảng 3.000m3 cát/ngày, trong khi nhu cầu thực tế cần là 7.000m3 cát/ngày mới đảm bảo thi công.
Hiện tại, trên công trường, nhà thầu đã bố trí 220 công nhân cùng 45 máy móc, thiết bị chuyên dùng. Số lượng này đã tăng thêm 30% so với trước khi có cát về công trường.
“Tuy nhiên, để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà thầu đề ra ba giải pháp. Thứ nhất là đưa mỏ cát diện tích 18ha, trữ lượng 670.000m3 cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào khai thác.
Thứ hai là nâng công suất mỏ cát hiện đang khai thác thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh; xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò từ 2.778m3 cát/ngày lên 3.850m3 cát/ngày.
Thứ ba là sớm phê duyệt trữ lượng mỏ cát ở phường 11, thành phố Cao Lãnh để nhà thầu thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện các phần việc có liên quan”, ông Tuân đề xuất.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tang-toc-thi-cong-cao-toc-cao-lanh-an-huu-192240814170944252.htm