Suốt gần nửa thế kỷ ở TP.HCM, quán bún riêu này được xem là địa chỉ quen thuộc của nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam, những Việt kiều quen thuộc với quán cũng như thực khách trong và ngoài nước.
Bún riêu gánh ‘sang chảnh’ ngày xưa, nay… lên đời
Một buổi chiều TP.HCM, tôi tìm tới quán bún riêu gánh đã lâu không ăn nằm ở nhà số 4 Phan Bội Châu (P.Bến Thành, Q.1) thì chợt… không thấy đâu. Hỏi ra mới biết quán dời qua địa chỉ mới ở số 163 Lê Thánh Tôn (Q.1), cách đó không quá xa.
Tâm sự với tôi, bà Liên (chủ quán) nói rằng quán ăn của mình đã dời sang địa chỉ mới cũng hơn 1 năm nay, hồi cuối năm 2021 đầu 2022, vì nhiều lý do khác nhau. Ngỡ sẽ gặp nhiều khó khăn khi mặt bằng thay đổi, nhưng từ ngày sang địa chỉ mới, “lên đời” mặt bằng quán thì việc buôn bán của bà “phất hơn”, thuận buồm xuôi gió.
“Bên đây quán rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ hơn, có máy lạnh mở liên tục nên khách vào ăn không thấy hầm, nhất là những ngày Sài Gòn nóng hầm hập như mấy tuần qua. Dời chỗ, tôi hạnh phúc vì khách lạ, khách quen vẫn đều đặn tìm tới”, bà mừng, nói.
Bên trong quán ăn này, dù không phải là giờ cao điểm nhưng khách ngồi gần như kín chục cái bàn được đặt ở tầng dưới. Bà chủ cũng không quên giới thiệu quán còn có tầng trên với những cái bàn cao hơn nếu khách không thích ngồi thấp.
Nhớ lại hơn 45 năm trước, từ gánh bún dạo được bà gánh chạy lòng vòng khắp cửa Đông chợ Bến Thành, rồi đến quán ăn nhỏ nằm trên đường Phan Bội Châu, và nay là mặt bằng khang trang nằm trên đường Lê Thánh Tôn, bà chủ xúc động. Người phụ nữ tóc đã hoa râm trải lòng:
“8 tuổi, còn nhỏ xíu thôi tôi đã ra phụ bán gánh với mẹ, đó cũng là lý do vì sao quán có tên là “bún riêu gánh”. Nay tôi đã lớn, đầu cũng 2 thứ tóc rồi. Từ đó tới giờ lúc nào tôi cũng muốn đem tới không gian tốt nhất cho khách ủng hộ quán của mình. Hồi đó dùng bếp than, qua địa chỉ kia thì dùng bếp gas, giờ qua địa chỉ này thì dùng bếp điện… tôi cũng luôn cố gắng thay đổi mọi thứ theo cách tốt nhất, phù hợp với thời đại”, bà nói.
6 chị em kế thừa món bún gia truyền từ đời bà ngoại
Không phải ai cũng biết, nhà bà Liên có 6 chị em cả thảy, bà là chị lớn. Sau những ngày thơ đi phụ mẹ bán, đôi mươi, bà cùng tất cả các anh chị em cùng nhau đùm bọc, cùng nhau gắn bó duy trì và phát triển quán ăn này.
“Hồi dịch Covid-19, một người em của tôi không còn nữa. Vậy là còn 5 chị em với nhau, tính thêm con cháu là hơn chục. Vì khách đông, quán tôi cũng thuê thêm hơn chục nhân viên để làm việc để không ai phải chờ đợi lâu. Mấy chị em tôi chia nhau ra, mỗi người một công đoạn, làm vậy từ đó tới giờ nên cũng quen rồi”, bà nói.
Hồi trước, mỗi tô bún riêu ở quán của bà Liên giá 55.000 đồng, bà giữ giá đó cũng 4 năm trời. Nay, ở địa chỉ mới, mỗi tô giá 60.000 đồng. Đó cũng là lý do mà người ta gọi đây là quán bún riêu “sang chảnh” bởi giá “chát”. Vậy tại sao khách đông?
Bà Mai Thị Liên, Chủ quán bún riêu gánh
Tôi đem câu hỏi đó hỏi bà Liên, bà cười nói rằng tô bún của mình chỉ có 4 nguyên liệu chính là chả cua, huyết, tàu hủ và phần bún sợi nhỏ. Bà không dùng thịt, nước lèo thì cũng thanh thanh chứ không đậm gia vị. Nhưng cái “ăn tiền” ở quán chính là chất lượng của mỗi nguyên liệu trong tô bún được nấu theo công thức riêng của gia đình được truyền đời, không tìm thấy ở bất kỳ quán ăn nào khác.
Tô bún được nấu theo công thức truyền đời.
Thật vậy! Nhiều lần ăn bún ở quán bà, tôi cũng cảm nhận được hương vị đặc biệt mà chủ quán nói, không lẫn vào đâu được. Nếu giá không đáng, không có lý do gì mà người ta sẵn sàng bỏ ngần ấy tiền để thưởng thức tô bún riêu của bà suốt mấy chục năm qua.
Anh Ryan Võ (38 tuổi, Việt kiều Úc) cũng đồng tình với tôi, khi đến thưởng thức quán bún riêu gánh trong dịp về thăm gia đình tại TP.HCM. Anh cho biết quán ăn này là kỷ niệm tuổi thơ của anh từ những ngày còn ở Việt Nam, cho tới khi định cư ở Úc.
“Hồi đó mẹ cũng hay dắt tôi đi ăn, từ hồi nó còn là cái gánh nhỏ xíu gần chợ Bến Thành. Sau này đi học rồi định cư, mỗi lần về Việt Nam, tôi sẽ ghé chợ Bến Thành, và ghé quán này để ăn”, anh nói.
Bà Liên nói rằng quán ăn này chính là cả cuộc đời mà bà cũng như các chị em ruột thịt kế thừa, phát triển món ăn từ đời bà ngoại ở miền Tây. Nó đã nuôi sống gia đình bà suốt mấy thập kỷ qua, với sự yêu thương và ủng hộ của khách và bà vẫn sẽ bán nó đến khi nào không còn sức bán nữa, thì thôi…