Trong báo cáo cập nhật mới nhất của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) tính đến ngày 2.8, mặc dù kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm bất động sản trên sàn chứng khoán đã khởi sắc so với quý đầu năm, song tổng lợi nhuận toàn ngành trong 6 tháng vẫn suy giảm đáng kể, chủ yếu do thời điểm bàn giao bất động sản và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận các dự án.
Nhóm bất động sản đã ghi nhận tổng cộng hơn 13.300 tỉ đồng lãi sau thuế trong quý II, tăng 4,2% so với quý I, nhưng giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Vinhomes vẫn là chủ lực chính với lãi quý đạt 10.600 tỉ đồng.
Bức tranh báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã cho thấy sự hồi sinh. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va – Novaland (Mã NVL) ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản gần 1.891 tỉ đồng trong 6 tháng, tăng 37% so với năm ngoái. Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp (Mã DIG) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt hơn 821 tỉ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mảng xây lắp và bất động sản.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Mã NLG) dù thấy doanh thu và lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ (đạt 457 tỉ và 68 tỉ đồng), nhưng dự kiến bàn giao khoảng 2.660 sản phẩm trong nửa cuối năm để ghi nhận lợi nhuận.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nêu quan điểm, một số doanh nghiệp dù bán hàng tốt trong 6 tháng đầu năm, nhưng lại chưa ghi nhận doanh thu ngay vào quý I, khiến kết quả trên báo cáo tài chính thấp hơn.
Nhìn ở bình diện chung, ngành bất động sản đang có bệ phóng mạnh mẽ để trở lại sau thời gian dài khó khăn. Hầu hết các báo cáo phân tích ngành từ các công ty chứng khoán và đơn vị nghiên cứu thị trường phát hành gần đây đều cho rằng, kết quả kinh doanh của các công ty địa ốc sẽ cải thiện mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024 và sẽ “tạo sóng” ở năm 2025 nhờ doanh số bán nhà đã phục hồi từ giai đoạn cuối năm trước.
Theo đánh giá phía chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), cơ hội cho nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn còn ở phía trước, nhưng có thể cần chờ thêm thời gian, đặc biệt là sức mua trên thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa thật sự như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp cũng đang cơ cấu lại tài sản và thanh toán các khoản trái phiếu. Vì vậy, có thể mất thêm nhiều thời gian, ít nhất là sang năm thì hoạt động chung của các doanh nghiệp bất động sản mới trở nên lành mạnh ổn định trở lại.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong năm 2024, nhóm 20 nhà phát triển bất động sản lớn nhất sẽ ghi nhận doanh thu tăng 41% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 8%. Đáng chú ý, triển vọng của dòng vốn FDI là tín hiệu tích cực cho một năm phục hồi kinh tế, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài dường như đang lên cao. Yuanta kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi của lĩnh vực bất động sản từ 5 năm của chu kỳ trước (2008 – 2013) xuống chỉ còn 3 năm ở chu kỳ này (2022 – 2025).
Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá, việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ hợp lý hóa quy trình cấp phép dự án, nhất là về lựa chọn nhà đầu tư và làm rõ các nguyên tắc định giá đất, giá thị trường, phương pháp định giá. Tác động của các luật mới đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc dự kiến không đáng kể, có khả năng dao động trong khoảng 5 – 10%, nhưng sự thay đổi này có thể tạo lập một quỹ đạo tích cực cho thị trường bất động sản, vì góp phần tạo nên một thị trường minh bạch và bền vững trong dài hạn.
Nguồn: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/cho-co-phieu-bat-dong-san-tao-song-1379584.ldo