Nga và Ấn Độ – hai quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển (BRICS) – đang xem xét ý tưởng về tỷ giá hối đoái Rupee – Ruble để bắt đầu giao dịch trực tiếp bằng hai loại tiền tệ này.
Nga và Ấn Độ đã tăng đáng kể thương mại song phương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow hồi tháng 2/2022. (Nguồn: Dreamtime) |
Theo trang Economic Times, vấn đề nói trên sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Nga của Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), dự kiến trong tuần này.
Moscow và New Delhi đã tăng đáng kể thương mại song phương trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Quốc gia Nam Á đã nổi lên là nước mua dầu thô lớn thứ hai của Nga, sau Trung Quốc.
Dựa trên dữ liệu nhập khẩu mới nhất từ Bộ Thương mại Ấn Độ, tỷ trọng dầu thô của Nga trong tổng nhập khẩu dầu của Ấn Độ đã tăng vọt từ mức khoảng 2% giai đoạn 2021-2022 lên khoảng 36% trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 2/2024.
Trong khi đó, lượng hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga tăng 59%.
Hiện tại, các ngân hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới khi xử lý thanh toán xuất nhập khẩu phải sử dụng tỷ giá hối đoái USD để chuyển đổi tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, với việc một số ngân hàng hàng đầu của Nga bị cấm tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, phạm vi giao dịch tiền tệ bằng USD đã giảm đáng kể.
Trong khi đó, thanh toán cho việc mua dầu và các mặt hàng nhập khẩu khác đòi hỏi phải có dịch vụ của các ngân hàng lớn của Nga. “Hệ thống thanh toán Rupee – Ruble có thể cung cấp giải pháp thay thế cho SWIFT”, Economic Times trích lời một quan chức trong ngành ngân hàng cho biết.
Tỷ giá hối đoái tham chiếu Rupee – Ruble có thể được RBI và Ngân hàng Nga thiết lập, sau đó điều chỉnh để đồng bộ với thực tế thị trường cơ bản.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hai-quoc-gia-nhom-brics-hop-suc-vuot-rao-can-trung-phat-tu-phuong-tay-282512.html