Kinh tế số – động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỉ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỉ USD.
Tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử – Cơ hội, động lực và thách thức” diễn ra vào hôm nay (14.8), PGS.TS Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số – cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15 – 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này”.
TS. Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế – đánh giá: “Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thương mại điện tử hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý vì “màu hồng” nào cũng đi liền với chính sách”.
Hoàn thiện chính sách, đổi mới sáng tạo từ khâu sản xuất để thúc đẩy kinh tế số
Theo ông Võ Trí Thành, trong quá trình phát triển, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp. Đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.
“Chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng” – vị chuyên gia cho biết.
Đồng quan điểm với ông Thành, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nhận định việc hiện thực hóa kì vọng xuất khẩu thương mại điện tử đạt hơn 11 tỉ USD vào năm 2027 là một bài toán đường dài. Theo đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử cũng như từ cơ quan quản lí nhà nước.
“Ngoài ra, hiện nay tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Để hàng hóa Việt Nam vươn ra ra thị trường toàn cầu, cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững. Chính vì vậy, thương mại điện tử nên ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho những yêu cầu về truy xuất hàng hóa; áp dụng số hóa vào chuỗi quy trình sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó có thể đảm bảo những quy định về bảo vệ môi trường, chống rác thải…” – bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/thuc-day-kinh-te-so-can-chuyen-doi-ngay-tu-khau-san-xuat-1380312.ldo