“Tắt đèn” – tác phẩm kinh điển của cố nhà văn Ngô Tất Tố, sẽ có dịp ra mắt độc giả thế giới, cùng với 18 truyện ngắn được chọn lọc của 8 nhà văn cùng thời với ông, gồm Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tô Hoài, Nam Cao và Kim Lân. Đây là dịp để độc giả hiểu thêm về các trào lưu văn học cũng như bối cảnh lịch sử, văn hóa, và chính trị Việt Nam trong nửa giai đoạn đầu của thế kỷ 20.
Thật ra, vào năm 1960, nhà xuất bản Foreign Languages tại Hà Nội đã in bản Anh ngữ “Tắt đèn” (When the Light Is Out) của dịch giả Phạm Như Oanh. Tuy nhiên, theo nhà thơ Christiansen, bản dịch này khá thô và đặc biệt là văn phong dịch không được tự nhiên. Hơn nữa, bản dịch in trong nước đã quá lâu, chưa được giới chuyên môn hiệu đính, chất lượng giấy in cũ kỹ, và rất khó tìm mua được hiện nay, dù là ở trong nước hay các trang mạng phổ biến như amazon. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà văn Ngô Tât Tố, giáo sư Hà Mạnh Quân và nhà thơ Christiansen quyết định dịch lại Tắt đèn, và một số truyện ngắn khác, góp phần quảng bá một giai đoạn quan trọng của văn học Việt Nam ra thế giới.
So với những tác phẩm văn học Việt Nam mà giáo sư Hà Mạnh Quân đã dịch và xuất bản tại Mỹ, ông nói dịch Tắt đèn là khó nhất vì nhà văn dùng nhiều phương ngữ của vùng nông thôn Bắc bộ từ gần 100 năm trước, các phong tục tập quán cũng như chức sắc trong làng dưới thời Pháp thuộc đã không còn phổ biến trong xã hội ngày nay.
Đặc biệt là dịch giả phải cố gắng truyền tải được “cái hồn” của cốt truyện, đó là việc làm sống động cảnh chức sắc trong làng ăn uống, cãi nhau, và cảnh gia đình ông bà Nghị Quế kỳ kèo ngã giá khi mua con gái và đàn chó của chị Dậu. Giáo sư Hà Mạnh Quân cho biết, hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều ấn bản Tắt đèn, nhưng ông chọn dịch ấn bản do chính con gái của cố nhà văn là Ngô Thị Thanh Lịch và chồng bà là Cao Đắc Điểm đã hiệu đính.
Đối với nhà thơ Christiansen, thì ông lại rất hào hứng khi đọc bản thảo vì nhận thấy đa số độc giả Tây phương chỉ biết đến văn học Việt Nam chủ yếu qua các tác phẩm viết về chiến tranh. Trong khi đó, giai đoạn 1930 – 1954 có nhiều nhà văn, tác phẩm sáng giá và có giá trị nhân văn cao. Ông cũng đặc biệt yêu thích tính trào phúng, châm biếm sâu cay trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng, chất thơ, nhẹ nhàng trong văn Thạch Lam, và tính hiện thực trong văn của Nam Cao.
Được biết, sau khi thông tin sách được xuất bản, một số học giả, giáo sư ở Mỹ và Anh sẽ đưa bản dịch mới này vào chương trình giảng dạy ở bộ môn Việt Nam học, Đông Nam Á học và Văn học thuộc địa, vì hiện tại có rất ít tác phẩm giai đoạn 1930 – 1954 đã được dịch sang tiếng Anh, ví dụ như Số đỏ và Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng.
Giải thích về hình ảnh bông lúa trên bìa sách, giáo sư Hà Mạnh Quân cho biết bông lúa tượng trưng cho khát vọng có được miếng cơm no đủ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, và đa số những tác phẩm trong tuyển tập nói về sự đói khát, cơ cực, lầm than của người dân Việt trong giai đoạn đen tối của lịch sử. Vì vậy, màu sắc và phông chữ trên trang bìa cũng được thiết kế hơi cũ để phù hợp với thời đại đó.
PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/tac-pham-tat-den-duoc-dich-sang-tieng-anh-va-xuat-ban-tai-my-post307511.html