“Giáng Hương – Sân khấu về khuya” do NSƯT Thành Lộc dàn dựng và biên tập từ kịch bản “Sân khấu về khuya” của cố tác giả – NSND Nguyễn Thành Châu.
NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Lê Khánh trong vở nhạc kịch “Giáng Hương – Sân khấu về khuya”
Nhiều thủ pháp dàn dựng mới, độc đáo
NSƯT Thành Lộc trong vai trò đạo diễn đã chọn cách kể câu chuyện về lòng yêu nghề của người nghệ sĩ bằng phong cách nhạc kịch thuần Việt. Thủ pháp dàn dựng độc đáo, cuốn hút khán giả từ đầu cho đến kết vở. Với dàn diễn viên giỏi nghề và một kịch bản đã ăn sâu trong tiềm thức khán giả yêu sân khấu – “Giáng Hương – Sân khấu về khuya” đã được “cách tân” ngoạn mục trên Sân khấu Thiên Đăng – có thể nói NSƯT Thành Lộc đã tạo thêm một dấu son đẹp cho sự nghiệp nghệ thuật của mình.
NSƯT Quế Trân trong vở “Cô đào hát” trên Sân khấu Cải lương mới Đại Việt
Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đã công diễn vở cải lương “Cô đào hát” (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, chuyển thể và đạo diễn Hoa Hạ), với sự tham gia biểu diễn của NSƯT Quế Trân, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường. “Cô đào hát” kể cho khán giả nghe câu chuyện về cô đào Cầm Thanh – người phụ nữ đối mặt với nhiều bi kịch. Với thủ pháp dàn dựng hấp dẫn, nhất là khâu xử lý về không gian, ánh sáng và cảnh trí vở diễn đã tìm được sự đồng cảm của người xem. Dàn nhạc cổ với sự đầu tư, chăm chút cũng đã tạo thêm hiệu ứng nghệ thuật thật cho “Cô đào hát”.
Nghệ sĩ Trọng Hiếu và NSƯT Mỹ Uyên trong vở “Ái tình ngoài hôn nhân” tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM
Tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (Sân khấu 5B) đã ra mắt vở chính kịch “Ái tình ngoài hôn nhân” với 2 suất diễn đầu tiên vào ngày 28-6 và 2-7 cũng nhận được những tín hiệu tích cực của khán giả. NSƯT Mỹ Uyên bày tỏ: “Kịch theo trường phái chính luận khá kén khán giả. Đa số ở phòng vé người ta hỏi người bán vé là vở kịch này có vui không? Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm làm phong phú hơn nội dung giải trí cho cộng đồng – nhất là đối tượng khán giả trẻ. Trong “Ái tình ngoài hôn nhân”, chúng tôi đã thực hiện vở diễn theo phương châm khán giả ngồi xem sẽ “thấy” mình trong đó”.
Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh có vở “Trả lại lia thia”, cảm tác từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Ái Như dàn dựng. Suất diễn mở đầu và cho đến thời điểm này, vé luôn được bán hết. Với phong cách dàn dựng đào sâu tâm lý nhân vật, khung cảnh miền sông nước Nam Bộ đã tạo cho vở có được nét trữ tình, dễ dàng len vào tâm trí khán giả, khiến người xem yêu các nhân vật của kịch một cách say đắm.
NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Võ Minh Lâm và nghệ sĩ Nhã Thy (từ trái sang) trong vở “Trung liệt Dương gia tướng” trên Sân khấu Chí Linh – Vân Hà
Sân khấu Chí Linh – Vân Hà năm nay có vở cải lương tuồng cổ “Trung liệt Dương gia tướng” (tác giả Nguyễn Quang Nhã, đạo diễn Chí Linh) biểu diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Những người trong cuộc cho rằng “Trung liệt Dương gia tướng” được dàn dựng chắc tay, tiết tấu vở diễn nhanh, chạm đến cảm xúc người xem. Cái tài của đạo diễn Chí Linh còn được ghi nhận ở chỗ tạo đất diễn cho dàn diễn viên trẻ, để họ vừa thể hiện vũ đạo, ca diễn và thể hiện sâu sắc tâm lý nhân vật.
Gìn giữ giá trị gia đình
Vở nhạc kịch “Bông Cánh Cò” đánh dấu sự hồi sinh của Sân khấu Kịch Hồng Vân sau thời gian ngừng hoạt động. Vở dựa theo kịch bản của nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn, đạo diễn Lê Nguyên Tuấn Anh dàn dựng, nhạc sĩ Minh Vy làm giám đốc âm nhạc.
Nội dung vở diễn kể về cuộc tình éo le của cô gái nghèo khó Tư Liễu (Cẩm Ly) và Hai Nông (Minh Luân) – con trai trưởng trong một gia đình giàu. Mâu thuẫn xảy ra khi bà Ba Cải (Thanh Thủy) quyết cưới vợ giàu cho Hai Nông, từ đó đứa con trai của Tư Liễu tên Bông Cánh Cò (Tuấn Dũng) lớn lên trong cuộc sống không cha.
Tuyến kịch dần mở ra nhiều khúc quanh mà mỗi tình huống, mỗi tâm trạng được thể hiện bằng những ca khúc của nhạc sĩ Bắc Sơn. Với sự thử nghiệm mới lạ này đã tạo sức hút cho Sân khấu Kịch Hồng Vân và được khán giả “săn” vé bởi họ thích thú khi xem các diễn viên kịch mình yêu thích hát live các ca khúc đã đi vào lòng biết bao thế hệ khán giả yêu nhạc như: “Em đi trên cỏ non”, “Bông bí vàng”, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Tháng mấy em về”…
Lê Lộc, Tuấn Dũng, Thanh Thủy (từ trái sang) trong vở nhạc kịch “Bông Cánh Cò” trên Sân khấu Kịch Hồng Vân
“Bông Cánh Cò” không chỉ làm lay động khán giả với những thông điệp gìn giữ giá trị tình cảm gia đình, mà còn giúp họ cười thật vui thông qua những mảng miếng dí dỏm, sinh động với phong cách hài hước từ các nghệ sĩ của Sân khấu Kịch Hồng Vân.
Vở kịch “Mẹ hát rong” của tác giả – đạo diễn Huỳnh Lập (NSND Trần Ngọc Giàu làm cố vấn nghệ thuật) diễn tại Sân khấu Trương Hùng Minh cũng đã thu hút sự quan tâm của công chúng với sự kết hợp của 3 diễn viên Việt Hương – Minh Nhí – Huỳnh Lập.
Điều đáng chú ý của “Mẹ hát rong” là vở này đã từng được diễn tại một sân khấu nhỏ ở quán cà phê với 70 chỗ ngồi. Nay được mang ra sàn diễn lớn, sức chứa lên đến 400 người và không ngừng tạo được sự lôi cuốn.
“Giáng Hương – Sân khấu về khuya” có sự tham gia của: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Hoàng Trinh, Hương Giang, diễn viên Lê Khánh, Vân Trang, Tuấn Khải, Don Nguyễn… Các suất diễn của vở này trong tháng 11-2023 hiện đã bán hết vé.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/de-cu-giai-mai-vang-lan-thu-29-hang-muc-vo-dien-san-khau-khan-gia-thay-minh-qua-vo-dien-20231017221604032.htm