Khi nhắc đến Hà Nội, hình ảnh về những con phố cổ kính, những gánh hàng rong rộn ràng hay những quán phở nghi ngút khói vào mỗi buổi sáng sớm là những hình ảnh đặc trưng trong tâm trí người dân thủ đô. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa món phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thạch Lam trong tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” có viết: “Ở Hà Nội, người ta không chỉ ăn để no mà còn ăn để thưởng thức, để cảm nhận một cách tinh tế những hương vị tuyệt vời của món ăn. Cái ăn ở Hà Nội là một thứ mỹ vị, một sự thưởng thức văn hóa, không phải chỉ để thoả mãn cái dạ dày mà còn để thỏa mãn cái tâm hồn. Hương vị của các món ăn Hà Nội gợi lên trong tâm hồn người ta những kỷ niệm, những cảm giác ấm áp, thân quen, và nhắc nhở người ta về một thời quá khứ đầy kỷ niệm.”
Khi đi qua những con phố Hà Nội vào buổi sáng sớm, không khó để bắt gặp hình ảnh những hàng phở với những bát phở bốc khói, mùi thơm của nước dùng phở ngọt lịm lan tỏa khắp phố phường. Phở Hà Nội nổi tiếng bởi sự tinh tế trong cách chế biến, từ việc chọn lựa nguyên liệu đến việc nấu nướng. Nước dùng được hầm từ xương bò, thêm vào đó là các loại gia vị như quế, hồi, thảo quả… tạo nên hương vị đậm đà, ngọt thanh, khác biệt hoàn toàn so với các món phở ở những vùng khác. Sợi phở mỏng, mềm để làm hương vị nền, nhờ thế mà vị giác của người thưởng thức sẽ không bị lấn át bởi vị bánh phở. Khi kết hợp với thịt bò tái, chín, gầu, nạm và chút hành lá, bát phở là một tổng hoà của hương vị, không chỉ làm thỏa mãn vị giác mà còn chạm đến tâm hồn người thưởng thức.
Phở Hà Nội đã có từ lâu đời, gắn liền với những câu chuyện lịch sử của đất thủ đô. Theo thời gian, phở Hà Nội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân, là món ăn sáng quen thuộc của nhiều gia đình. Từ những quán phở nhỏ ven đường, đến những nhà hàng sang trọng, từ trong nước đến ngoài nước, phở Hà Nội đã có vị thế của mình trong lòng đa dạng thực khách, ru êm những chiếc bụng khắp bốn phương địa cầu.
Việc phở Hà Nội được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia không chỉ là sự công nhận về mặt văn hóa mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy giá trị của món ăn này. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi nhiều món ăn nhanh, tiện lợi đang dần chiếm lĩnh thị trường, phở Hà Nội vẫn giữ vững vị trí của mình, trở thành biểu tượng của sự kiên định và lòng tự hào về ẩm thực truyền thống. Việc giữ gìn hương vị nguyên bản, cách chế biến tinh tế, cùng với sự sáng tạo trong việc kết hợp các nguyên liệu mới đã giúp phở Hà Nội không chỉ giữ được sức hấp dẫn mà còn ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo thực khách trong và ngoài nước.
Để có được sự tinh tế, nhẹ nhàng, thanh ngọt của bát phở thì người Hà Nội phải chăm chút tỉ mỉ từ cách chọn nguyên liệu, cách nấu nướng hay gia giảm gia vị. Khi thưởng thức ta như ôm cả vào lòng hình ảnh những người mẹ, người chị tần tảo chăm lo cho bữa ăn gia đình và vẫn toát lên vẻ thanh tao, nhẹ nhàng trong từng cử chỉ.
Phở Hà Nội hôm nay mới được công nhận là di sản phi vật thể, nhưng trong lòng người Hà Nội, phở từ lâu đã là một “di sản” rồi.
Dưới trời đông lạnh lên hương,
Đậm đà từng sợi, vấn vương tấm lòng.
Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, phở Hà Nội vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống, vẫn là món ăn làm say lòng biết bao thực khách. Phở Hà Nội vẫn ở đó, như một chứng nhân lịch sử, như một biểu tượng của lòng kiên định, của sự trân trọng những giá trị lâu đời. Người Hà Nội cho dù đi ngược về xuôi, vẫn không thể quên được giây phút thưởng thức bát phở ngọt ngào đan xen với những tiếng ồn ào phố thị, tất cả tạo nên cái chất riêng của vùng thủ đô. Đúng là như nhà văn Thạch Lam từng nói: “Trí nhớ thì là một sự cần thiết cho lòng yêu mến quê hương …”
Hoàng Anh