Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, theo thời gian, hàm lượng dinh dưỡng trong sữa sẽ thay đổi. Vậy ăn gì để sữa mẹ đặc? Các chuyên gia của MEDLATEC sẽ gợi ý với mẹ bỉm một số thực phẩm “vàng” giúp sữa đặc và thơm mát trong bài viết dưới đây.
1. Sữa mẹ đặc mang lại những lợi ích gì?
Sữa mẹ thay đổi theo thời gian và giai đoạn cho con bú để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Khi sữa mẹ đặc thường chứa nhiều chất béo và calo hơn giúp trẻ tăng cân và phát triển tốt. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nên bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để bổ sung dinh dưỡng và các kháng thể cần thiết. Những lợi ích tuyệt vời khi sữa mẹ đặc có thể kể đến là:
Cung cấp năng lượng và dưỡng chất
Sữa mẹ đặc chứa nhiều chất béo và calo, cung cấp năng lượng cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Chất béo trong sữa mẹ cũng quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ.
Sữa mẹ càng đặc thì giá trị dinh dưỡng càng cao
Tăng cường hệ miễn dịch
Sữa mẹ chứa các kháng thể, tế bào bạch cầu và các yếu tố miễn dịch khác giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng và hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ phát triển mạnh mẽ.
Hỗ trợ tiêu hóa
Sữa mẹ đặc chứa nhiều chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa và các enzyme hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ. Điều này giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả và giảm nguy cơ các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi và táo bón.
Thúc đẩy trẻ tăng cân
Sữa mẹ đặc giúp trẻ tăng cân đều đặn và duy trì cân nặng lý tưởng, đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất.
Sữa mẹ đặc sẽ giúp trẻ tăng cân và phát triển toàn diện
Ngoài ra, các thành phần nếu như sữa mẹ đặc còn giúp tăng khả năng nhận thức của trẻ. Bên cạnh đó, những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn với thành phần dinh dưỡng cao thường ít mắc những khuyết tật liên quan phát âm do hệ cơ xương ở miệng và má phát triển đồng bộ.
Ăn gì để sữa mẹ đặc là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bỉm sữa, đặc biệt là các chị em lần đầu làm mẹ.
Những loại thực phẩm giúp sữa mẹ đặc
Để đảm bảo sữa nhiều dưỡng chất, mẹ bỉm cần cung cấp đầy đủ và cân đối các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu protein: Protein là thành phần quan trọng trong sữa mẹ. Các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, đậu hạt, đậu nành và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ đồng thời cung cấp DHA cho cả hai mẹ con.
- Chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh như omega-3 và omega-6 có trong cá hồi, quả bơ, các loại hạt, dầu ô liu, và dầu hạt lanh không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ mà còn giúp tăng cường chất béo trong sữa mẹ.
- Rau xanh và trái cây: Rau xanh và trái cây cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các loại rau như cải bó xôi, bông cải xanh,… và các loại trái cây như cam, dâu tây, quả bơ đều rất tốt cho sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch,… cung cấp năng lượng, chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu và giúp sữa mẹ đặc hơn.
- Uống đủ nước: Nước là yếu tố quan trọng để duy trì nguồn sữa. Mẹ nên uống đủ lượng nước lọc mỗi ngày, có thể bổ sung thêm nước ép trái cây, rau củ để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước.
Chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ
Những việc cần làm để cải thiện chất lượng sữa
Ngoài chú ý đến chế độ dinh dưỡng thì mẹ bỉm cần lưu ý một số vấn đề sau để cải thiện chất lượng sữa:
- Hạn chế tiêu thụ caffein, rượu, bia, đồ uống có ga và các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm hay thức uống nhiều đường hoặc chất béo bão hòa. Những thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa và sức khỏe của mẹ.
- Nghỉ ngơi và thư giãn giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ. Cố gắng ngủ đủ giấc để cơ thể tăng khả năng sản xuất sữa. Không làm việc nặng, quá sức, hạn chế thức khuya,… Bên cạnh đó, mẹ cũng chú ý tránh những vấn đề căng thẳng vì không chỉ ảnh hưởng chất lượng sữa mà còn tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.
- Có thể tập thể dục với những bài tập nhẹ nhàng, thư giãn bằng yoga, thiền, đi bộ,… để tăng tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe, nhanh chóng hồi phục thể trạng sau sinh từ đó chất lượng sữa cũng sẽ tốt hơn.
- Cho bé bú thường xuyên và đúng cách: Cho con bú ít nhất mỗi 2 – 3 giờ một lần, kể cả ban đêm để kích thích sản xuất sữa. Bên cạnh đó, phải đảm bảo bé ngậm đúng cách, miệng bé ngậm đúng quầng vú để bú được sữa dễ dàng và hiệu quả.
- Nếu bé không thể bú hoặc lượng sữa sản xuất ra quá nhiều, mẹ có thể hút sữa và trữ trong ngăn đông để cho con sử dụng dần.
- Trước và sau khi cho con bé hoặc hút sữa đều phải vệ sinh núm vú sạch sẽ.
- Không cho trẻ bú ngay sau khi bạn đi ra ngoài về.
- Trong trường hợp chế độ dinh dưỡng không đáp ứng đủ theo nhu cầu để tạo ra sữa thì mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng những sản phẩm hỗ trợ.
- Tránh những nơi có nhiều khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm hoặc chứa hóa chất độc hại.
- Nếu mẹ bỉm bị các vấn đề sức khỏe bất thường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị có ảnh hưởng đến chất lượng sữa hay không hoặc có thể cho em bé bú hay không.
- Theo dõi sự phát triển của con cùng với chất lượng sữa mỗi ngày. Nếu thấy trẻ chậm phát triển hoặc sữa có dấu hiệu bất thường thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.
Hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ sau khi đã vắt ra
Hy vọng câu trả lời cho thắc mắc ăn gì để sữa mẹ đặc và một số lưu ý giúp cải thiện chất lượng sữa ở trên đã giúp các chị em có thêm kiến thức hữu ích. Duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học kết hợp ăn uống đủ chất sẽ giúp sữa mẹ đặc hơn từ đó em bé cũng nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/an-gi-de-sua-me-dac-goi-y-thuc-pham-giup-sua-dac-thom-mat-cho-con