Nghệ thuật Hát Tuồng ( Hát Bội ) là tài sản văn hóa quý báo của sân khấu truyền thống, viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân gian và là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trong thời đại xã hội phát triển như vũ bảo hiện nay, nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Hát Tuồng nói riêng, luôn đứng trước nguy cơ mai một dần theo thời gian. Cùng với sự nỗ lực, quan tâm từ nhiều phía dành cho nghê thuật Hát Tuồng mà loại hình sân khấu này đã hồi sinh mạnh mẽ, khẳng định được vị trí và chỗ đứng trong lòng công chúng. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước, cũng như tình yêu và đam mê của các Nghệ sĩ, Nghệ nhân, hy vọng sắp tới đây, nghệ thuật Hát Tuồng sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Quý vị hãy cùng Vietnam.vn tìn hiểu về nghệ thuật hát Tuồng qua bộ ảnh “Hát Tuồng dân gian của tác giả Trần Hưng Đạo. Qua đó, quý vị sẽ hiểu rõ hơn những tác phẩm tuồng cổ, những trích đoạn tuồng mẫu mực thực sự là những vốn văn hoá quý của sân khấu dân gian Việt Nam, giúp truyền tải sức sống của nghệ thuật tuồng cổ đến mỗi tâm hồn người Việt. Đặc biệt trong đó, nghệ thuật hóa trang trong hát tuồng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ. Diễn viên phải bỏ công sức học hỏi để tự trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ 18, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Trong thế kỷ 19, Tuồng đã có một giai đoạn phát triển cực thịnh trong lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này. Cùng với người diễn viên, cảnh tượng sân khấu hiện dần lên, địa điểm, thời gian vở Tuồng được xác định. Bằng các phương tiện hát, múa và nhạc đệm, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên Tuồng làm sáng tỏ ý nghĩa của câu chuyện, tạo ra sự khoái cảm về thẩm mỹ của trí tuệ…
Người diễn viên Tuồng sử dụng vũ đạo (múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) là hai phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật để cho khán giả thấy được, hiểu được… Múa Tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Các thế hệ diễn viên đã chắt lọc những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo Tuồng theo một hệ thống động tác từ đơn giản đến phức tạp.
Chân dung một võ tướng: nền da mặt màu đỏ, Vòng trắng đứng quanh mắt, gắn với hình tượng những người anh hùng trung trinh tiết liệt.
Hát Tuồng xuất phát trên cơ sở tế lễ, tụng niệm trong nhà chùa, trong lối kể chuyện, hát xướng dân gian; được viết theo các thể thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát… Hát Tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối.
Hát Tuồng, hay hát bội, là một loại hình sân khấu truyền thống Việt Nam mang đậm nét văn hóa dân tộc. Hát Tuồng nổi bật với lối diễn xuất phức tạp, trang phục lộng lẫy, và các giai điệu cổ điển. Các vở tuồng thường tái hiện những câu chuyện lịch sử, huyền thoại, và truyền thuyết với lối kể chuyện kịch tính và biểu cảm đặc sắc. Đây không chỉ là hình thức giải trí mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn