Tinh thần có phấn khởi thì lao động mới hăng say
Khởi động Tháng Công nhân với một chương trình vui nhộn để khích lệ tinh thần người lao động, một trong những phương châm mà Công đoàn Bộ TN&MT đặt ra đó là: Tinh thần có phấn khởi thì lao động mới hăng say, hiệu quả; và, lao động hăng say hiệu quả phải hướng tới mục tiêu làm cho đời sống vật chất và tinh thần được tăng lên.
Với phương châm ấy, bằng tâm huyết nỗ lực và kinh nghiệm thực tiễn hơn 20 năm gắn bó với công tác công đoàn, bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, Chủ tịch Công đoàn Dương Trung Thành đã cùng Ban Chấp hành Công đoàn Bộ TN&MT gắn kết cán bộ, đoàn viên, người lao động trong “mái nhà chung ngành TN&MT”, huy động trí tuệ tập thể, tạo sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị; Giáo dục, động viên công nhân viên chức, người lao động toàn ngành phát huy quyền làm chủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện.
Công đoàn đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các phong trào thi đua như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”; “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”;… gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và ngành TN&MT, góp phần khơi dậy tinh thần lao động, niềm tự hào, yêu ngành, yêu nghề trong công đoàn viên.
Đặc biệt, để phong trào thi đua đạt được hiệu quả thiết thực, Công đoàn Bộ đã xác định mục tiêu, tập trung vào những vấn đề mấu chốt, hướng phong trào vào những khâu yếu, những việc khó, những vấn đề bức xúc, tồn tại đang đặt ra để tập trung giải quyết. Trên cơ sở đó, xây dựng nội dung và tiêu chuẩn thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của từng tập thể, từng cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến gương điển hình tiên tiến để mọi người học tập, noi theo.
Với những thành tích nổi bật đó, nhiều năm qua, Công đoàn Bộ đã vinh dự và tự hào nhận được nhiều hình thức khen thưởng các cấp như: Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước; Bằng khen, Cờ thi đua dẫn dầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT trao tặng… Đây là minh chứng thuyết phục nhất cho sự cố gắng, nỗ lực. Trong thành tích chung ấy có công sức của mỗi đoàn viên, người lao động ngành TN&MT trên khắp mọi miền đất nước, cũng là công sức chung của Ban Chấp hành, trong đó có Chủ tịch Công đoàn.
Dấu ấn người đồng hành
Xuất thân là cán bộ chuyên môn lĩnh vực Khí tượng thủy văn, Chủ tịch Công đoàn Dương Trung Thành đã từng có những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết, từng tình nguyện ra Trường Sa công tác tại Trạm Khí tượng thủy văn trên đảo, vậy nên, ông và các thành viên Ban Chấp hành thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của những đoàn viên công đoàn ở nơi biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Càng thấm thía một điều giản đơn rằng, khi cánh tay của Công đoàn càng nối dài vươn xa thì thành công càng trọn vẹn, bởi sự cố gắng của đoàn viên Công đoàn ở nơi khó khăn sẽ là yếu tố thúc đẩy sự cố gắng cho những đoàn viên ở nơi thuận lợi hơn.
Kể với chúng tôi về những năm tháng tuổi trẻ của mình, ông nói: Trước khi ra đảo, ông chưa từng hình dung ở nơi Trạm KTTV giữa biển đảo xa xôi, mình sẽ gắn bó ra sao, thời tiết khắc nghiệt thế nào. Nhưng trong suy nghĩ lúc bấy giờ, được ra nơi này làm nhiệm vụ là niềm tự hào, khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. Đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim mà những người thanh niên trẻ của ngành KTTV lúc bấy giờ khát khao được đến, được cống hiến nơi biển đảo thân yêu, đi đến nơi “đầu sóng ngọn gió”, tiếp nối truyền thống hào hùng của lớp lớp cha anh, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Không riêng gì ông, các thành viên trong Ban Chấp hành Công đoàn Bộ TN&MT đều đã có những quãng thời gian thử thách, trải nghiệm. Vì có những trải nghiệm quý giá đó nên cán bộ Công đoàn Bộ TN&MT luôn tâm niệm phải lấy người lao động làm trung tâm của mọi hoạt động, phải làm sao để tổ chức Công đoàn là của tổ chức người lao động thì phải nghĩ ý nghĩ của người lao động, nói tiếng nói của người lao động, vì người lao động mà cống hiến.
Điều cần nhất của một cán bộ công đoàn, đó là không nghĩ đến thành tích cá nhân, mà quan trọng hơn, là thành tích của cả tập thể. Là những người đứng đầu Ban Chấp hành Công đoàn Bộ, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đòi hỏi họ phải vận dụng, lựa chọn một cách linh hoạt, sáng tạo những nội dung và phương pháp công tác của mình cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Hơn thế nữa, phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của đoàn viên – người lao động. Chỉ khi hiểu người lao động nghĩ gì, mong muốn gì thì Công đoàn mới có thể phát huy cái đúng, nắn chỉnh cái chưa hợp lý để hoạt động Công đoàn đi đúng định hướng. Hiểu Người Lao động – Đó là một trong những thành công lớn mà không có thành tích nào, con số nào đo đếm được. Đặc biệt, để làm tốt mọi việc thì bất cứ công việc gì cũng phải công tâm, minh bạch, dân chủ, và phải có sự bàn bạc, đóng góp, thống nhất của đoàn viên Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn. Công đoàn có đoàn kết thì mới phát huy được sức mạnh để góp phần xây dựng mối đoàn kết trong toàn ngành.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Thành cho biết, 3 năm dịch Covid-19 bùng phát có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất với Công đoàn Bộ TN&MT khi tất cả các hoạt động bề nổi của Công đoàn bị đóng lại. Nhưng trong gian khó vẫn sáng lên tinh thần người lao động ngành TN&MT. Ban Chấp hành Công đoàn Bộ TN&MT với tinh thần chủ động, sáng tạo linh hoạt điều chỉnh phương pháp, nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục thể hiện rõ nét vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động, sát cánh cùng người lao động đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; đồng thời có nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bằng nguồn tài chính Công đoàn và nguồn vận động xã hội hóa với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.
***
Mỗi một thời kỳ, giai đoạn, cơ hội luôn song hành thử thách, khó khăn. Khó khăn đôi khi sẽ trở thành cơ hội để thay đổi và hướng tới mà xu hướng chuyển đổi số ngành TN&MT là một điển hình. Và rồi, cơ hội mới lại mở ra thách thức mới để cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành TN&MT khẳng định mình.
Bên cạnh đó là bề bộn những khó khăn trong điều kiện nhiệm vụ chính trị ngày càng nặng nề; môi trường làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu nhập… còn hạn chế; sự dịch chuyển cơ cấu biên chế tổ chức ít nhiều phải có thời gian để sự vận hành dần đi vào ổn định…
Nhưng khi đã “trót yêu” công việc, khi đã có một mái nhà chung ấm áp mang tên Công đoàn Bộ TN&MT thì càng trong khó khăn gian khổ, tình yêu, lương tâm và trách nhiệm lại càng thôi thúc mỗi đoàn viên gắn bó, tìm về.