Với áo dài Huế, Bộ VHTTDL đã ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Bộ VHTTDL đề án đề nghị xem xét đưa di sản “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” nay, khi công nhận thì Bộ đã khu biệt trong cụm từ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tương tự, “Nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm”; “Phở Nam Định”; “Mì Quảng”… cũng vừa được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt này.
Với “áo dài Huế”, được hiểu là Bộ VHTTDL đã công nhận giá trị của “tri thức may” và “tập quán mặc áo dài của người Huế” là Di sản văn hóa. Với “Phở Nam Định” và “Mì Quảng” thì Bộ công nhận “tri thức dân gian” về Phở, Mì là văn hóa phi vật thể…
Quy định rất rõ ràng, nhưng ngay sau khi công bố thì lập tức có nhiều thắc mắc, tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định cụm từ “tri thức dân gian” đối với áo dài, phở, mì… là làm hẹp giá trị văn hóa phi vật thể đối với các di sản này.
“Phi” trong cụm giá trị văn hóa phi vật thể có nghĩa là “không”, nhưng hoàn toàn khác so với nghĩa không của từ “vô, “bất”… Từ phi chủ yếu đứng trước danh từ, có nghĩa là “không dựa vào” vật thể đó. “Phi” được sử dụng ở cụm từ “di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu đúng là những giá trị văn hóa không dựa vào vật thể. Những giá trị văn hóa tồn tại phía sau và lâu dài hơn sự hiện hữu của vật thể.
Vì vậy, nói áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ là “tri thức may” và “tập quán mặc áo dài”, mà còn là cả ngành nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Là phong tục tập quán, là lễ nghi… gắn với việc may mặc, sử dụng áo dài. Nhìn vào áo dài, có thể phân biệt người vùng nào, Bắc Ninh, Huế, hay Ninh Thuận… Có thể phân biệt áo dài ở thời kỳ lịch sử nào. Áo dài cũng có những quy chuẩn riêng cho dân công sở, cho bà nội trợ, cho cúng kính lễ nghi, cho ma chay, cho áo cưới, thời trang…Tất cả các giá trị đó là văn hóa phi vật thể.
Giá trị văn hóa phi vật thể của Phở Nam Định hay Mì Quảng cũng không chỉ giới hạn ở “tri thức dân gian”. Không chỉ là những kiến thức, kinh nghiệm, những hiểu biết được tích lũy, truyền lại qua nhiều thế hệ trong một cộng đồng… mà còn là cả vùng văn hóa với nhiều nghĩa rộng lớn cả về không gian, thời gian của mì, phở.
Vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ ghi nhận “tri thức dân gian” của vật thể đó, mà còn bảo vệ chính những giá trị văn hóa tinh thần, thẩm mỹ ẩn chứa sau không gian đời sống văn hóa ấy, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng giống việc cần bảo vệ “không gian văn hóa” trong Di sản văn hóa phi vật thể thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” – chứ không chỉ “tri thức dân gian” về cồng chiêng Tây Nguyên.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa/gia-tri-van-hoa-phi-vat-the-khong-chi-la-tri-thuc-dan-gian-1379538.ldo