Là thị trường “khó tính” hàng đầu thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe, việc tăng cường giao thương với Nhật Bản không chỉ giúp gia tăng giá trị hàng hóa, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp (DN) “trưởng thành” hơn trong quan hệ thương mại quốc tế.
Thép cuộn VAS của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản tháng 8-2021.
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) năm 2009, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) năm 2008, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2008, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản còn có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung về kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Đặc biệt, trong cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ rệt, không có sự cạnh tranh trực tiếp về chủng loại. Trong khi Việt Nam chủ yếu xuất sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, giày da, gỗ và sản phẩm gỗ, dây điện và dây cáp điện…, thì Nhật Bản lại xuất sang Việt Nam những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép, nguyên phụ liệu may mặc, giày da, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất… Những thuận lợi trong hợp tác thương mại đã đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu của hai nước tăng trưởng đều đặn và đạt con số gần 50 tỷ USD năm 2022, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD.
Vận hành dây chuyền sản xuất nước mía tươi MIATA của Công ty CP Mía đường Lam Sơn – sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Với Thanh Hóa, Nhật Bản hiện là thị trường XK rất tiềm năng mà các DN trong tỉnh đang nỗ lực khai thác. Thông tin từ Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 35 DN XK hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, với các mặt hàng chủ yếu là may mặc, giày da, thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, bao bì, lưu huỳnh dạng hạt, plyxylen… Năm 2022, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thanh Hóa thuộc Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã cấp 3.448 bộ form C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để XK hàng hóa sang Nhật Bản. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các DN Thanh Hóa sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 185 triệu USD, chiếm 3,4% trong giá trị XK toàn tỉnh. Các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu gồm các nguyên liệu hàng may mặc, máy móc thiết bị…
Những con số này còn khiêm tốn, nguyên do từ những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật, thương mại nơi “đất nước mặt trời mọc” là khá khắt khe, đặc biệt là tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản, thực phẩm vốn là một trong những thế mạnh của DN Thanh Hóa. Tuy nhiên, dư địa của thị trường còn rộng mở cũng là một cơ hội lớn khi DN Thanh Hóa đáp ứng được các điều kiện của đối tác “khó tính” này.
Đóng góp lớn nhất cho kim ngạch XK sang thị trường Nhật Bản hiện nay là lĩnh vực may mặc, da giày. Năm 2022, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam đạt gần 77 triệu USD, Công ty TNHH giày Annora Việt Nam đạt gần 16 triệu USD, Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam đạt 14,1 triệu USD, Công ty TNHH Norura Thanh Hóa hơn 12 triệu USD… Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng XK sang Nhật Bản ngày càng đa dạng với sự góp mặt của một số mặt hàng thủy sản mới, các loại thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng…
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu Công nghiệp Lễ Môn) trong ca sản xuất.
Năm 2021, sau khi thành công tại một số thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… tháng 8-2021 hàng nghìn tấn thép cuộn VAS của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn (VAS Group) đã được bốc dỡ lên tàu quốc tế tại Cảng Nghi Sơn để xuất sang thị trường Nhật Bản. Theo đại diện VAS Group, để đáp ứng yêu cầu từ đối tác Nhật Bản DN đã thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng thép từ khâu đầu vào tới khâu đầu ra theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS), tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM). Sự chuẩn bị kỹ lưỡng để trở thành thương hiệu thép Việt thứ hai tại thị trường nổi tiếng nghiêm ngặt này đã tạo đà cho thương hiệu VAS tiếp tục thuận lợi chinh phục những thị trường mới.
Mặt hàng thủy sản cũng là thế mạnh của các DN Thanh Hóa và nhiều DN đã tìm kiếm, kết nối XK các sản phẩm như chả cá surimi, ngao nguyên con… sang thị trường Nhật Bản như: Công ty CP Thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải (thị xã Nghi Sơn), Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn – TP Thanh Hóa)…
Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa Trịnh Thị Cúc cho biết: “Nhật Bản là thị trường rất nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm thủy, hải sản, đặc biệt là tôm và các loại cá. Không những giá trị hàng hóa xuất sang Nhật Bản cao hơn nhiều thị trường, mà việc hợp tác, đáp ứng quy trình sản xuất từ canh tác, nuôi trồng đến chế biến, vận chuyển theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản còn cho DN nhiều cơ hội, bài học để “lớn lên” trên thương trường quốc tế. Một khi đã chinh phục thành công thị trường Nhật Bản, DN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều thị trường khác. DN chúng tôi hiện đã đầu tư hoàn thiện 1 xưởng gia công phi lê cá và đang tìm kiếm thị trường XK phi lê cá saba, cá hồi sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới”.
Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung ưu tiên các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến cáo DN đầu tư cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và hỗ trợ kết nối XK hàng hóa sang các thị trường tiềm năng, trong đó có thị trường Nhật Bản.
Hơn nữa, trong xu hướng tìm kiếm và ổn định nguồn cung, nhiều DN Nhật Bản đã quyết định đặt nhà máy hoặc mở rộng nhà máy hiện có tại Việt Nam. Theo khảo sát của tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cứ 3 DN Nhật Bản được hỏi thì có một DN muốn đầu tư vào Việt Nam và có tới 70% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm là dệt may, da giày, nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, năng lượng xanh… sẽ là cơ hội lớn để Thanh Hóa đón đầu nắm bắt cơ hội, mời gọi và thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Bài và ảnh: Minh Hằng