Yan Mei là một phụ nữ người Trung Quốc, chồng cô là người Anh, họ đang định cư tại Mỹ. Gia đình Yan Mei đã có thời gian sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng họ gắn bó nhất với thành phố New York (Mỹ).
Có trải nghiệm sinh sống và làm việc ở cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, Yan Mei nhận ra một số nét khác biệt trong cách nuôi con của phụ huynh ở hai nền văn hóa.
Trước hết, Yan rất sửng sốt khi thấy phụ huynh ở nhiều quốc gia phương Tây cổ vũ con rất nhiệt tình trong các hoạt động thường ngày với những câu như: “Con giỏi lắm”, “con thật tuyệt”, “cha mẹ rất tự hào về con”…
Trong khi đó, Yan Mei cũng như nhiều phụ huynh phương Đông tin vào giá trị của sự khiêm tốn. Phụ huynh phương Đông cho rằng sự khiêm tốn sẽ thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển bền bỉ. Lời khen ngợi được nói ra quá nhiều sẽ dẫn đến sự tự mãn, gây hại cho sự phát triển. Thay vì dễ dàng khen ngợi con hết lời, phụ huynh phương Đông thường khích lệ con hãy cố gắng hơn nữa.
Yan Mei hiểu hơn về tư duy của phụ huynh phương Tây sau khi đọc cuốn The Smartest Kids in the World, And How They Got That Way (Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới và cách các bé đạt được điều ấy) của tác giả người Mỹ Amanda Ripley.
Trong sách, tác giả Ripley giải thích rằng kể từ thập niên 1980-1990, các chuyên gia giáo dục tại nhiều quốc gia phương Tây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp trẻ xây dựng sự tự tin bằng cách liên tục động viên, khích lệ.
Kể từ đó, giáo dục trong gia đình và nhà trường ở nhiều quốc gia phương Tây đi theo hướng không ngừng khen ngợi những nỗ lực của trẻ để thúc đẩy trẻ tiến bộ một cách tích cực.
Ngoài ra, phụ huynh phương Tây rất quan tâm tới các mối quan hệ bạn bè và sự kết giao của con ngay từ khi con còn nhỏ. Thậm chí, phụ huynh phương Tây còn định hướng từ sớm cho con về môi trường kết giao thông qua cách chọn trường, cách phối hợp với các phụ huynh khác để tổ chức những sự kiện vui chơi, hoạt động ngoại khóa cho các con.
Phụ huynh phương Tây rất quan tâm tới việc giúp con sớm hình thành kỹ năng giao tiếp, kết bạn, xây dựng các mối quan hệ hiệu quả. Họ coi đây là những bước tập dượt đầu tiên cho kỹ năng tương tác xã hội, mở rộng vòng tròn quan hệ trong tương lai.
Các chuyên gia tâm lý cũng khẳng định rằng năng lực tương tác xã hội có thể được rèn luyện và cải thiện qua thời gian. Việc học cách giao tiếp, kết nối từ nhỏ có thể đưa lại nhiều lợi ích cho năng lực tương tác xã hội về sau này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/su-khac-biet-trong-cach-nuoi-con-cua-cha-me-phuong-dong-va-phuong-tay-20240810103848350.htm