Không khí chuẩn bị liên hoan tại TP HCM của giới nghệ sĩ ảo thuật đã cho thấy tín hiệu vui, đó là số lượng các tiết mục tham gia vượt trội so với lần liên hoan trước. Cụ thể, hơn 40 tiết mục, trong đó có nhiều đơn vị xã hội hóa tham gia (15/17 đơn vị ngoài công lập góp mặt).
Nhiều nghệ sĩ trẻ triển vọng
Ở liên hoan trước, tiết mục “siêu trộm” của Nguyễn Việt Duy, CLB Ảo thuật TP HCM, mang đến màn ảo thuật tương tác rất hài hước, bất ngờ cho khán giả. Tiết mục “Thôi miên người bay trên nước cao 4 mét” của Trần Dũng (con trai NSƯT Trần Định), cũng của CLB Ảo thuật TP HCM, nhận được tràng pháo tay giòn giã của khán giả. Hai nghệ sĩ trẻ này tiếp tục góp mặt ở liên hoan kỳ này và cho biết sẽ trình làng tiết mục mới độc đáo, đậm ngôn ngữ ảo thuật.
Tham gia tranh tài tại liên hoan năm nay còn có các nghệ sĩ ảo thuật tên tuổi như: Nguyễn Văn Bảy (Chi hội ảo thuật Miền Nam), Đinh Thị Liên (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Tăng Hồng Phúc (CLB Ảo thuật Tiền Giang), Phạm Xuân An Bình (Louis Phan), Bùi Hữu Hiện (BHT Magician) CLB Ảo thuật Đà Nẵng; Đặng Văn Hoàng Khang (Trọng Kha) Đoàn ảo thuật xiếc Hương Xuân Vĩnh Long; Nguyễn Duy Thanh, Bùi Hữu Tuyền (CLB Ảo thuật TP HCM); Mai Sơn, Nguyễn Văn Phát, Trần Thuận (CLB Ảo thuật Bình Dương); Trần Thanh Hà (Hội VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu)…
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết chất lượng chuyên môn của liên hoan năm nay cải thiện đáng kể, qua phúc khảo ghi nhận các tiết mục được đầu tư công phu, có nhiều sáng tạo. Kỳ vọng liên hoan sẽ thành công và là cơ hội quý để các nghệ sĩ ảo thuật cả nước tranh tài, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật những kỹ thuật mới từ các nước nhằm nâng cao tay nghề.
Ảo thuật gia Trần Dũng biểu diễn ảo thuật phục vụ các dự án cộng đồng tại TP HCM
Cần đầu tư đúng mức
Nhà ảo thuật Nguyễn Khuyến tâm tư: “Không ít trò ảo thuật hiện nay đã quá xưa nhưng vẫn còn trình diễn (như móc trong túi ra cây gậy rồi biến thành chậu hoa hoặc tung chim bồ câu bay lên từ cây quạt phủ chiếc khăn kim tuyến, biến mất cô gái trong hộp…) khiến khán giả không còn hứng thú. Cần sớm có sự đầu tư cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, tìm tòi sáng tạo những nội dung mới mang đặc thù của văn hóa Việt”. Đồng quan điểm, NSND Tống Toàn Thắng (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) nhìn nhận cần có sự đầu tư định hướng cho các nhà ảo thuật trẻ thể hiện tài năng và tạo sự bứt phá những trò diễn mới.
Những người trong cuộc cũng trăn trở cho rằng ngoài những dịp liên hoan gặp gỡ giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cần có thêm nhiều dịp như hội thảo, tọa đàm do giới nghiên cứu, nghệ sĩ có kinh nghiệm trao đổi với lực lượng trẻ về loại hình ảo thuật. Cập nhật thông tin, tư vấn chỉ ra những cái cũ, cái dở để loại bỏ, gợi mở hướng dàn dựng chương trình ảo thuật mới có sự sáng tạo, đột phá và thuần Việt. Ảo thuật gia Trần Dũng (TP HCM) mong có một nơi để biểu diễn, tương tác với khán giả hằng đêm. Từ đó, lực lượng trẻ yêu bộ môn này mới có nơi cọ xát, học nghề và nâng tầm.
Theo các nhà chuyên môn, thế hệ tiếp nối của ảo thuật không khan hiếm người trẻ, thậm chí khá đông những tên tuổi trẻ đang sống với nghề này, nhưng để có đủ kinh nghiệm, kinh phí đầu tư, sáng tạo đạo cụ, thiết kế cho tiết mục, họ cần cơ chế đặc thù để được thăng hoa đúng nghĩa. Có nhiều ảo thuật gia được đào tạo bài bản nhưng rồi đi diễn vẫn bị xếp tiết mục là phụ, nên hầu hết ảo thuật gia hiện nay vẫn biểu diễn theo kiểu nghiệp dư do thiếu sàn diễn chuyên nghiệp, không gian đúng chuẩn của ảo thuật.
Nghệ sĩ ảo thuật mất cả năm trời sáng tạo, đổ biết bao tiền bạc, mồ hôi và kể cả máu song vẫn bị xem là trò tạp kỹ vặt vãnh, thậm chí chỉ để diễn “cứu cháy” trong các chương trình nghệ thuật.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/can-tao-cu-hich-cho-ao-thuat-viet-20231101212228192.htm