Tối 10-8, tại TPHCM, nhóm Người kể chuyện phim phối hợp một số đơn vị tổ chức workshop “Từ chữ sang thanh”. Ba khách mời gồm đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi, TS Đào Lê Na và nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh đã cùng nhau chia sẻ xung quanh câu chuyện diễn dịch văn chương thành điện ảnh.
Thực tế, việc diễn dịch văn chương thành điện ảnh chính là hình thức cải biên mà lâu nay mọi người vẫn quen dùng bằng hai chữ “chuyển thể”. Tuy nhiên, việc gọi tên chưa chính xác đã dẫn đến những hiểu lầm, thậm chí là định kiến, cho rằng tác phẩm chuyển thể không hay hoặc làm méo mó vẻ đẹp của tác phẩm gốc.
TS Đào Lê Na cho rằng, khi sử dụng chữ chuyển thể, công chúng nghĩ đến việc tác phẩm chuyển thể phải đảm bảo những yếu tố nào đó, nội dung phải trung thành với tác phẩm có trước.
“Mọi người đã dùng quen chữ “chuyển thể” nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu thì không được phép sử dụng như vậy. Dùng “chuyển thể” sẽ bị hạn chế. Bởi trước hết, người làm phim hoặc tác phẩm cải biên (từ văn chương đến các loại hình nghệ thuật khác) phải đọc và mỗi người đọc sẽ có cách hiểu khác nhau. Mỗi người đọc có quyền ngang nhau trong tiếp nhận tác phẩm văn chương và mỗi bộ phim cho thấy cách đọc của nhà làm phim với tác phẩm văn chương đó”, TS Đào Lê Na cho biết.
Cũng theo TS Đào Lê Na, cải biên có nghĩa là dựa trên một tác phẩm có trước để chỉnh sửa, thay đổi. Một tác phẩm văn chương cũng vậy, khi được cải biên thành phim thì phải thay đổi để phù hợp với ngôn ngữ của điện ảnh. Hai tác phẩm thuộc hai loại hình nghệ thuật khác nhau nên việc so sánh với nhau là vô lý.
Nhà văn trẻ Đỗ Quang Vinh từng có nhiều tác phẩm được xuất bản. Gần đây, anh có hai tác phẩm được cải biên thành phim âm thành (Audio Movie) là tiểu thuyết Trường hợp số 7 và Thay lời người chết. Đỗ Quang Vinh cho biết, ở vai trò của một người viết, tất cả không gian, bối cảnh, nhân vật, thoại… đều nằm trong tưởng tượng và mường tượng của tác giả. Bởi vậy, khi được nghe lại tác phẩm của mình ở phiên bản Audio Movie, anh cảm thấy hài lòng và ngạc nhiên.
“Cái hay của cải biên là khi tác phẩm được lồng nhạc, lồng ghép các hiệu ứng khiến cho không gian, bối cảnh trở nên sống động hơn”, Đỗ Quang Vinh chia sẻ.
Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi được xem là người tiên phong trong lĩnh vực làm phim âm thanh. Thời gian qua, anh đã cùng nhóm Hùng ca sử Việt thực hiện nhiều bộ phim âm thanh theo thể loại dã sử, về các nhân vật có thật trong sử Việt. Đây hoàn toàn là những câu chuyện do đội ngũ của Hùng ca sử Việt sáng tác. Theo tiết lộ của đạo diễn Đạt Phi, thời gian tới, Hùng ca sử Việt sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực cải biên, khai thác thêm tác phẩm của các tác giả khác nhau.
Tham dự workshop “Từ chữ sang thanh” khán giả cũng được trực tiếp thưởng thức các đoạn trích trong những bộ phim âm thanh do nhóm Người kể chuyện phim và Hùng ca sử Việt thực hiện.
QUỲNH YÊN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tim-huong-di-moi-cho-tac-pham-van-chuong-post753540.html