Hải Phòng hiện thực hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị:
Hải Phòng hướng tới trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc và quốc tế
Với đủ 5 loại hình giao thông, đặc biệt có Cảng quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng được coi là địa điểm lý tưởng để phát triển dịch vụ logistics, Hải Phòng đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc và quốc tế.
Tầm nhìn quy hoạch
Có thể thấy, quy hoạch là cốt lõi, là xương sống, là yếu tố quyết định để phát triển logistics thì nay đã hội tụ đủ tại Hải Phòng.
Đó là Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định, đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa quan điểm xác định sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hải Phòng được đánh giá có lợi thế lớn về hạ tầng cảng biển, kho hàng, bến bãi phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: DVP |
Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định mạng lưới logistics của Hải Phòng khoảng 2.200 – 2.500 ha, gồm: Trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ – Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, bố trí các khu logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác tại quận Hải An, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng…
Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ Hải Phòng sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế. Về Cảng biển và dịch vụ logistics, sẽ xây dựng TP. Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics; thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Xây dựng Hải Phòng thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế
Hải Phòng được biết đến là đô thị cảng biển; là cửa ngõ giao thông quan trọng của Việt Nam và quốc tế. Thành phố có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông (đường biển, đường bộ, đường sắt, hàng không, thủy nội địa) thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi các nước trên thế giới.
Những năm qua, Hải Phòng tập trung cao huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế. Hệ thống cảng biển nước sâu không ngừng được đầu tư, đến nay đã, đang xây dựng 8 bến tại Lạch Huyện và đang triển khai các bến tiếp theo.
Trung tâm Logistics Green |
Thành phố có 14 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 265 km; 17 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 191 km; 16 cảng thủy nội địa; có Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi được quy hoạch đạt công suất 13 triệu khách và 250.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; tầm nhìn tới năm 2050 đạt 18 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm.
Ngoài ra, Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong Vùng duyên hải Bắc Bộ, giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng thì: “Thành phố luôn xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế thành phố, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thành phố luôn nhất quán chủ trương là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Đây là điều kiện quan trọng để logistics Hải Phòng phát triển”.
Hiện, trên địa bàn TP. Hải Phòng có 4 Trung tâm logistics, gồm 2 trung tâm đã hoạt động là Trung tâm Logistics Green; Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN DEEP C); 2 trung tâm đang được xây dựng là Trung tâm logistics CDC (KCN DEEP C 2) và Trung tâm logistics tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (DEEP C 3).
KCN DEEP C Hải Phòng III cùng hệ thống cảng nước sâu Lạch Huyện góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa giá trị của cảng Lạch Huyện trong thúc đẩy phát triển công nghiệp và logistic. Ảnh: Huy Dung |
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn TP. Hải Phòng cũng luôn chú trọng và tập trung đầu tư phát triển các trung tâm logistics.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ: Hiện nay, nhu cầu luân chuyển hàng hóa không ngừng tăng mạnh trong những năm qua, đặc biệt là vận tải đường biển, song đội tàu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hệ thống logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.
Còn theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C thì, cơ hội phát triển logistics tại Hải Phòng rất lớn. Các KCN được xây dựng bên cạnh cảng biển, nằm trong khu kinh tế ven biển đã và đang trở thành xu hướng tất yếu do tận dụng được tiềm lực sẵn có về đường bờ biển dài của Việt Nam, giúp vận chuyển số lượng lớn hàng hóa trên quãng đường dài với chi phí thấp. Đây cũng được đánh giá là bệ phóng tăng trưởng của ngành dịch vụ cảng biển và logistics.
Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logisitcs. Trong đó có khoảng 30 Công ty, Tập đoàn Logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX…, chiếm 70-80% thị phần. Lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực này chiếm xấp xỉ 20% nguồn lao động logistics trên cả nước (khoảng 175.000 người).
Cụm cảng Nam Đình Vũ trở thành biểu tượng mới của ngành cảng biển và logistics miền Bắc, từng bước trở thành cảng sông lớn nhất và hiện đại nhất khu vực |
Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics Hải Phòng đạt bình quân 20-23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố 10-15%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25-30%.
Các trung tâm logistics cấp Thành phố hiện đặt tại Lạch Huyện, KCN VSIP Thủy Nguyên, KCN Tràng Duệ, KCN Nam Tràng Cát, KCN đảo Cát Tráp; các trung tâm logistics hỗ trợ tại các quận, huyện: Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và các khu hậu cần logistics dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến Quốc lộ, các đầu mối giao thông chính trên địa bàn.
Cùng với đó, Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các địa phương ven biển Đông Bắc.
Hải Phòng đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ về phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam, trong đó có Cảng Nam Đồ Sơn; Khu thương mại tự do; Sân bay quốc tế Tiên Lãng, với hàng chục KCN mới, mở ra dư địa rộng lớn hơn cho logistics. Từ đó, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng logistics, xúc tiến thương mại logistics, xây dựng chuối cung ứng dịch vụ logistics, tiến tới xây dựng logistics thông minh và xuất khẩu logistics ra nước ngoài.
Trước mắt, đến năm 2025 Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng từ 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%-35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 20%-25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 300 triệu tấn.
Xa hơn, đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả 5 hệ thống giao thông, ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%- 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của Thành phố từ 25%-30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%, các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 60%-70% tổng lượng hàng hóa, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 30%-40%.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, đảm bảo tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics đạt 80%. Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2030 đạt 600 triệu tấn.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhận định tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ 5 tháng 5/2024 rằng, Hải Phòng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực logistics và khu thương mại tự do. Do đó cần tận dụng lợi thế về địa lý và nhân lực. Với những tài nguyên có sẵn như cảng nước sâu và cảng biển truyền thống, đồng thời với nhiều kết quả tích cực trong kết quả trung chuyển hàng hóa và môi trường logistics trong khu vực thì Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc và quốc tế trong tương lai gần.
Nguồn: https://baodautu.vn/hai-phong-huong-toi-tro-thanh-trung-tam-logistics-cua-khu-vuc-phia-bac-va-quoc-te-d221952.html