Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trưa 10-8, thượng tá Vũ Thanh Giang, phó Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cứu xong ba mẹ con bị đuối nước, ông kiệt sức, tay chân rã rời, đi không nổi.
Nhường phao của mình cứu ba mẹ con đuối nước
Thượng tá Giang cho biết khoảng 5h30 sáng 10-8, ông đang cùng người bạn bơi từ biển vào bờ thì một cặp vợ chồng mặc áo phao nhờ giúp đỡ đẩy vào bờ, bởi dòng nước kéo cả hai ra quá xa. Lúc này, ông Giang cùng bạn hỗ trợ đẩy hai người vào.
Khi cách bờ khoảng 60m thì một người phụ nữ kêu: “Cứu em với, cứu mẹ con em với”. Thượng tá Giang nói người bạn tiếp tục dìu hai vợ chồng kia vào bờ, còn ông bơi về phía người phụ nữ.
“Tôi tiếp cận thì thấy hai đứa nhỏ đã rất đuối, bám và nhận đầu mẹ xuống nước. May là lúc nào đi bơi tôi cũng mang theo hai cục phao, nên tháo ra đưa cho hai đứa nhỏ, phần tôi bơi bộ và kéo đầu người phụ nữ lên khỏi mặt nước”, thượng tá Giang nói.
Dù nhường phao cho hai cháu nhỏ nhưng cả hai hoảng loạn nên tìm cách bám vào mẹ và thượng tá Giang. Quần thảo với sóng, ông Giang mệt lả, cố hét lớn, kêu mọi người gần đó hỗ trợ.
Lúc này ông Trần Văn Mẫn, giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, nghe thấy và lao ra biển, ném phao về phía ba mẹ con. Nhờ số phao này mà người phụ nữ đỡ mệt hơn.
“Thiệt nếu không có cái phao của anh Mẫn chắc tôi cũng quỵ luôn, lúc đó quá mệt”, ông Giang nói.
Dòng rip ở biển Mỹ Khê rất mạnh, cần chú ý
Bốn nhân viên đội cứu nạn cứu hộ ở bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi sau đó phát hiện sự việc lao ra ứng cứu, kéo ba mẹ con vào bờ. Khi thấy mọi việc ổn, thượng tá Giang vớ lấy một cái phao nằm nghỉ mệt ngay trên mặt biển.
Ông Phan Cao Lâm, đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị TP Quảng Ngãi, cho biết ba mẹ con may mắn được cứu là chị T.T.T. (36 tuổi, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) cùng hai con nhỏ 9 tuổi và 5 tuổi.
Sau vụ việc, nhiều người cho biết dòng rip (dòng chảy xa bờ) ở biển Mỹ Khê sáng 10-8 rất mạnh, nhiều người biết bơi cũng rất khó khăn để bơi vào bờ.
Thượng tá Giang cho hay dù bơi tốt nhưng đi tắm biển lúc nào ông cũng mang theo hai cái phao đề phòng lúc mệt thì ôm nghỉ, chờ cứu hộ. Rất may, hai cái phao ấy đã cứu được ba mẹ con.
“Ngồi nghỉ mệt một lúc, bực mình quá tôi la chị T. đi bơi có con nhỏ mà không mang theo phao, mạng sống mà như đùa. La thì cũng tội họ, nhưng qua sự việc tôi mong mọi người tắm biển hãy mang phao theo để đảm bảo an toàn cho mình và ứng cứu người khác nếu phát hiện.
Như sáng nay mà không có hai cái phao, tôi không thể giữ ba mẹ con cho đến khi mọi người ứng cứu. Cũng cảm ơn đội cứu hộ đã có mặt rất kịp thời”, thượng tá Giang nói.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân và du khách khi tắm biển cần quan sát và chọn điểm tắm nơi đông người, tắm biển vào thời gian có nhân viên trực cứu hộ, cứu nạn (buổi sáng từ 4h-8h, buổi chiều từ 15h-18h”, ông Lâm cho biết thêm.
Nói về hành động nhường phao cứu người của mình, thượng tá Giang chia sẻ: “Thiệt lúc đó có nghĩ gì đâu, thấy họ vậy thì nhường, cứu. Hồi đó không sợ, lúc mệt đừ mới sợ. Nhưng mà vui vì chị T. và hai cháu nhỏ đều an toàn”.
Dòng chảy xa bờ (dòng rip) là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sự hình thành của dòng chảy xa bờ được các nhà khoa học lý giải từ gió thổi sóng cuốn xô mạnh nước biển tràn vào bờ. Dòng nước biển được xô liên tục này sẽ tập hợp lại và tạo thành một dòng chảy ngược lại ra biển.
Dòng chảy xa bờ thường hẹp, chiều ngang trung bình khoảng 1-3m, nhưng cũng có khi rộng đến cả chục mét.
Theo ông Nguyễn Đức Vũ – trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đặc điểm dễ nhận dạng nhất dòng chảy xa bờ là khu vực có màu nước sẫm hơn và mặt nước phẳng lặng.
Khi lỡ bị rơi vào dòng chảy xa bờ, người dân cần hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không được cố bơi ngược lại dòng chảy xa bờ để vào bờ. Thay vào đó hãy bơi song song với bờ biển về phía hai bên của dòng chảy.
“Có thể bình tĩnh giữ cơ thể nổi xuôi theo dòng chảy xa bờ. Khi đến điểm cuối, dòng chảy xa bờ sẽ tự đánh dạt người qua hai bên”, ông Vũ nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thuong-ta-cong-an-nhuong-phao-cuu-ba-me-con-duoi-nuoc-20240810131251691.htm