Sau cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới bắt đầu từ hôm 6/8, quân Ukraine đã tiến khoảng 35 km (21 dặm) vào lãnh thổ Nga ở vùng Kursk tính đến ngày 9/8, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ.
Phía Nga đã nhanh chóng củng cố phòng thủ. Quân đội Nga tuyên bố sẽ gửi thêm quân và xe bọc thép để đẩy lùi cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi cuộc chiến với Ukraine bắt đầu cách đây 30 tháng.
Truyền hình Nga đã phát sóng hình ảnh các đoàn xe tải quân sự chở pháo, súng máy hạng nặng và xe tăng. Sáng sớm hôm 10/8, các hãng thông tấn Nga đưa tin Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia đã phát động “chiến dịch chống khủng bố” tại khu vực Kursk và các khu vực lân cận là Bryansk và Belgorod.
Theo luật pháp Nga, lực lượng an ninh và quân đội được trao toàn quyền áp dụng tình trạng khẩn cấp trong các hoạt động “chống khủng bố”. Ví dụ, việc đi lại bị hạn chế, xe cộ có thể bị tịch thu, các cuộc gọi điện thoại có thể bị theo dõi, các khu vực được tuyên bố là vùng cấm, các trạm kiểm soát được thiết lập và an ninh được tăng cường tại các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng.
Cuộc đột kích của Ukraine rõ ràng đã đưa một yếu tố mới khó lường vào một cuộc chiến đang diễn ra chậm chạp trên nhiều mặt mặt trận. Nhưng các nhà phân tích quân sự đã đặt câu hỏi liệu chiến dịch này có đáng để mạo hiểm hay không, vì các lực lượng Ukraine vốn đã bị kéo căng.
Các nhà lãnh đạo Ukraine cho đến nay vẫn giữ im lặng, không công khai thừa nhận việc phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới. Trong khi đó, Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Kiev, cho biết họ không được thông báo trước về kế hoạch này.
Câu hỏi chính
Cuộc giao tranh ở Nga không có dấu hiệu lắng xuống hôm 9/8, khi quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công một sân bay của Nga ở khu vực Lipetsk, giáp với Kursk, đánh vào các nhà kho chứa bom dẫn đường hàng không.
Chính quyền địa phương của Nga cho biết một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái (UAV) đã gây ra một số vụ nổ và một đám cháy đã bùng phát tại một sân bay quân sự.
Các nhà phân tích quân sự cho biết cuộc tấn công qua biên giới có sự tham gia của ít nhất 4 lữ đoàn, có sự hỗ trợ của pháo binh, phòng không và tác chiến điện tử, dẫn đến những bước tiến nhanh chóng trên bộ.
“Có vẻ như có khoảng 4-5 lữ đoàn Ukraine, vì vậy tôi ước tính có từ 10.000-12.000 binh lính Ukraine và những người khác tham gia”, bà Dara Massicot, từng làm việc tại Lầu Năm Góc với tư cách huyên gia phân tích về năng lực quân sự của Nga, cho biết.
“Có vẻ như đây là một hoạt động vũ trang kết hợp được lên kế hoạch và phối hợp khá tốt”, ông Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự tại Vienna nhận xét.
Ông Gady, bà Massicot và các chuyên gia khác cho rằng câu hỏi chính hiện nay là liệu Ukraine có thể duy trì được đà tiến triển và biến thành công trên lãnh thổ Nga thành những lợi ích hữu ích hay không.
Các nhà phân tích cho biết, quân đội Ukraine có rất ít lực lượng dự bị có thể đổ vào cuộc chiến và họ vẫn tiếp tục phải chịu cảnh thiếu hụt vũ khí và đạn dược. Ngoài ra, cũng vẫn chưa rõ Ukraine cuối cùng hy vọng đạt được điều gì.
Một quan chức cấp cao của Ukraine giấu tên khi thảo luận về chiến dịch này cho biết, mục tiêu là thu hút quân đội Nga khỏi các khu vực khác của tiền tuyến nơi các đơn vị Ukraine đang phải vật lộn. Nga có thể sẽ đáp trả bằng lực lượng dự bị không chiến đấu ở Ukraine, các chuyên gia quân sự nhận định.
Thăm dò
“Có một vài lời giải thích khác nhau. Có thể đây là một nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn chặn một số mạng lưới đường sắt và đường bộ đến từ miền Bắc nước Nga đưa quân đội và thiết bị xuống – đe dọa khu vực Kharkiv”, bà Massicot nói, kết luận rằng còn quá sớm để nói điều gì vì chiến dịch này mới chỉ đang ở giai đoạn đầu.
Ông Mick Ryan, một thiếu tướng đã nghỉ hưu của Quân đội Australia và là thành viên của Viện Lowy, cho biết một mục tiêu có thể là nâng cao tinh thần cho người dân Ukraine.
“Với 8 tháng hoạt động phòng thủ vừa qua, các cuộc không kích liên tục vào cơ sở hạ tầng và tình trạng thiếu điện đang diễn ra, ý chí của người dân sẽ là ưu tiên hàng đầu trong các cân nhắc của chính phủ Ukraine về quỹ đạo của cuộc chiến”, ông Ryan nói.
Đặc biệt, quân đội Ukraine đã tiến vào Sudzha, một thị trấn nhỏ có khoảng 6.000 người, cách biên giới Ukraine-Nga 6 dặm (9.6 km). Hôm 9/8, quân đội Ukraine tuyên bố trong một video rằng thị trấn này nằm trong tầm kiểm soát của họ. Tuyên bố này không thể được xác minh độc lập.
Video của Ukraine được cho là cho thấy cácc lực lượng của họ kiểm soát một trạm đo khí đốt do công ty Gazprom của Nga điều hành tại thị trấn Sudzha.
“Thị trấn do các lực lượng vũ trang Ukraine kiểm soát, thị trấn rất yên tĩnh, mọi tòa nhà đều còn nguyên vẹn”, một người lính trong video cho biết, đồng thời nói thêm rằng “cơ sở chiến lược của Gazprom” nằm dưới sự kiểm soát của một tiểu đoàn Ukraine.
Trạm trung chuyển cuối cùng mà khí đốt chảy từ Nga đến châu Âu qua Ukraine nằm gần thị trấn nhỏ Sudzha. Cho đến nay, khí đốt vẫn tiếp tục chảy liên tục. Tuy nhiên, tầm quan trọng của dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu đã giảm kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Bà Emil Kastehelmi, một nhà phân tích của Black Bird Group – một tổ chức có trụ sở tại Phần Lan chuyên phân tích hình ảnh từ chiến trường, cho biết trên mạng xã hội rằng một số đơn vị của Ukraine dường như đang tiến hành các cuộc đột kích xa hơn về phía Bắc theo hướng Lgov, một thị trấn cách biên giới khoảng 50 dặm (80 km), trong động thái dường như là để thăm dò khả năng phòng thủ của Nga.
Minh Đức (Theo NY Times, DW, France24, NPR)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tinh-hinh-vung-kursk-ukraine-tiep-tuc-tien-len-tham-do-nga-cung-co-phong-thu-204240810172242653.htm