Từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu cơ hội hợp tác đều yêu cầu các đối tác, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững… Chính điều này khiến việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình “xanh hóa” không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. Để hòa nhập với xu thế của thế giới Việt Nam và hướng đến sự phát triển bền vững, các khu công nghiệp ở nước ta cần phải chuyển đổi dù không hề dễ dàng.
Theo một khảo sát mới đây của tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam, trong số 118 khu công nghiệp trên cả nước thì có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững.
Việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình “xanh hóa” không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. (Nguồn ảnh: internet) |
Điều đó cho thấy, việc chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự nhanh, trong khi, việc xanh hóa sản xuất đang là yếu tố quan trọng trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Theo ông Trần Anh Đông – Giám đốc Công ty CAS – Energy: “Thực tế bây giờ có những trường hợp không quan tâm cũng như không cần chuyển đổi vì người ta vẫn sản xuất bình thường, vẫn bán được hàng nên không có nhu cầu. Nhưng người ta không biết rằng đến một ngày nào đó, khách hàng sẽ không mua hàng đấy nữa thì mới tính đến việc chuyển đổi sẽ thực sự khó khăn. Nhiều chủ nhà máy, nhiều khu công nghiệp chưa nhận thức được vấn đề đó”.
Thực tế đa phần các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đều đã hoạt động trên 25 năm. Các khu công nghiệp này thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội.
Tuy vậy, kể từ khi EU từng bước thực thi các mục tiêu trong “Thỏa thuận xanh” sẽ có tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh trên thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tức là, để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa, áp lực chuyển đổi tại các nhà máy sản xuất hay các khu công nghiệp ở Việt Nam không phải là muốn hay không muốn mà là điều gần như bắt buộc.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh – Giám đốc điều hành nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP cho biết: “Ở Việt Nam hiện tại chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp bắt đầu đi theo xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời khá phổ biến và rất dễ để triển khai. Họ có thể nhìn nhận lại xem khâu nào là khâu có thể tiết kiệm năng lượng nhiều nhất để giảm thải được lượng rác thải carbon nhiều nhất. Một ví dụ rất điển hình là Unilever đã kết hợp với công ty Duy Tân để đưa ra những vấn đề thúc đẩy cho việc tái chế và sử dụng những sản phẩm tái chế nhiều hơn”.
Cùng chung quan điểm đó, Phó chủ tịch Thường trực liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam, Ông Trần Thiên Long khẳng định: “Thực hiện chuyển đổi xanh là câu chuyện của tư duy, hành động, cam kết của doanh nghiệp. Nhưng trong điều kiện khó khăn về kinh tế hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi nhưng thiếu vốn. Do vậy rất cần sự hỗ trợ từ các bộ ngành, các đơn vị liên quan chung tay đồng hành với doanh nghiệp, các khu công nghiệp để các doanh nghiệp, các khu công nghiệp có động lực chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ và hiệu quả”.
Theo các chuyên gia, cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong khu công nghiệp để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở có doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp thì không. Cần đồng bộ khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn, đo lường và đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, các đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và phân bổ nguồn lực, đầu tư nghiêm túc cho khía cạnh bền vững trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Nguồn: https://congthuong.vn/xanh-hoa-khu-cong-nghiep-huong-di-bat-buoc-de-phat-trien-ben-vung-338193.html