Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ; Tư lệnh Quân khu 3, Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc.
Về phía tỉnh Nam Định có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương…
Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23.7.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 đối với tỉnh Nam Định.
Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2024. Sau khi sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 8 huyện; 175 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn. Thành phố Nam Định có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 7 xã; huyện Vụ Bản có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 1 thị trấn; huyện Ý Yên có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 1 thị trấn; huyện Nam Trực có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn; huyện Xuân Trường có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 1 thị trấn; huyện Nghĩa Hưng có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 3 thị trấn; huyện Hải Hậu có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 3 thị trấn; huyện Giao Thuỷ có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và 2 thị trấn.
Cùng với đó, giải thể Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định để nhập vào Tòa án nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; giải thể Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định để nhập vào Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động; sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác, người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định theo quy định của pháp luật.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-hoi-nghi-cong-bo-nghi-quyet-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tinh-nam-dinh-i383731/