200 học bổng trị giá 60 triệu đồng/suất phát triển ngành trọng yếu
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT), trong những mùa tuyển sinh vừa qua, thí sinh có xu hướng đổ dồn và các ngành có tính ứng dụng cao như Kinh doanh và Quản lý (26%), Máy tính và Công nghệ thông tin (13%), Công nghệ Kỹ thuật (9%)… khiến các ngành khoa học cơ bản của nhiều trường đại học có tỷ lệ nhập học thấp. Xu hướng chuyển dịch trong chọn ngành, nghề của sinh viên khiến các ngành khoa học cơ bản đứng trước nguy cơ thiết hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho lâu dài.
Nhằm hỗ trợ các trường đại học thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng đào tạo một số ngành trọng yếu, từ năm 2023, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) thuộc Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, Tập đoàn Vingroup, sẽ tài trợ mỗi năm 200 suất Học bổng sinh viên với tổng giá trị 12 tỷ đồng. Đây được xem là mảnh ghép mới giúp hoàn thiện “bức tranh” tài trợ của VinIF, phủ kín hoạt động đào tạo, nghiên cứu từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ và sau Tiến sĩ.
Cụ thể, VinIF sẽ xét chọn 4 đề án do các trường đại học đề xuất để phát triển một ngành quan trọng của trường. Mỗi đề án của trường sẽ được tài trợ 50 suất học bổng trị giá 60 triệu đồng/suất/năm, tương đương 3 tỷ đồng/năm/đề án. Năm nay, thời hạn để các trường nộp hồ sơ cho chương trình Học bổng sinh viên là từ ngày 1-3 đến 27-4.
GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VinIF cho biết: “Chúng tôi đã có học bổng dành cho Thạc sĩ, Tiến sĩ và sau Tiến sĩ hằng năm. Học bổng mới dành cho sinh viên xuất phát từ thực tế khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo một số ngành trọng yếu tại các trường đại học. Chúng tôi mong muốn học bổng dành cho sinh viên sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hướng đến góp phần xây dựng nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước. Đó cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của VinIF khi triển khai các chương trình hợp tác và tài trợ trong suốt bốn năm qua”.
Đồng hành cùng các chuyên gia hàng đầu trong chuỗi Bài giảng Chuyên đề
Bên cạnh Học bổng sinh viên, chuỗi Bài giảng Chuyên đề cũng là một chương trình tài trợ mới vừa được Quỹ VinIF triển khai. Chuỗi Bài giảng Chuyên đề được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng mạng lưới chuyên gia đầu ngành và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo của các trường đại học Việt Nam.
Cụ thể, Quỹ VinIF sẽ tài trợ cho các trường, khoa, viện, nhóm nghiên cứu tổ chức các bài giảng chuyên đề và mời các giáo sư, nhà khoa học đầu ngành về giảng bài cho sinh viên, học viên. Đây sẽ là cơ hội quý báu để người học trong nước có cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật với những trí tuệ xuất chúng của Việt Nam và thế giới.
Bài giảng Chuyên đề là sự tiếp nối của chương trình Bài giảng đại chúng được Quỹ VinIF xây dựng rất thành công từ năm 2019. Sau 4 năm, Quỹ đã tổ chức/tài trợ 130 hội thảo quốc tế/bài giảng đại chúng với sự tham gia của các giáo sư uy tín trong nước và quốc tế, thu hút hàng triệu người quan tâm và theo dõi.
“Chương trình Bài giảng của Quỹ VinIF đã lan tỏa tinh thần nghiên cứu, những kiến thức khoa học công nghệ mới tới đại chúng và tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam”, GS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, nhận định.
Trong năm 2023, Quỹ VinIF vẫn tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ như các năm trước và đồng hành cùng các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học, góp phần tạo ra bước phát triển đột phá cho khoa học công nghệ Việt Nam, đồng thời, xây dựng văn hóa nghiên cứu chuyên nghiệp, đạt chuẩn mực quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác, tài trợ của VinIF bao gồm: Dự án Khoa học Công nghệ; Hợp tác, sự kiện và hội thảo Khoa học Công nghệ; Bài giảng đại chúng; Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ; Học bổng Sau Tiến sĩ trong nước; Tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu; Tài trợ lưu giữ các giá trị Văn hóa, Lịch sử.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về công nghệ, vì thế thúc đẩy các sáng kiến, đổi mới và sáng tạo trong giới trẻ là cần thiết. “Việc tạo ra mạng lưới kết nối và hợp tác trong khoa học là bước đi cần thiết và quan trọng”, ông Bùi Thế Duy đánh giá.
|
NGỌC QUỲNH