Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT báo cáo về tình hình quản lý, vận hành Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS); kết quả xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm tại 28 địa phương ven biển.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm IUU, hầu hết các địa phương đã có biện pháp cảnh cáo, nhiều nơi đã xử phạt nhưng chưa cập nhật lên hệ thống. Đến nay, mới chỉ có Quảng Nam xử phạt tàu cá mất kết nối.
Bộ kiến nghị Chính phủ bố trí vốn để nâng cấp hệ thống VMS; tập trung giám sát hành trình đối với tàu cá, nhất là tại các địa phương có đội tàu cá lớn như Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công an đề nghị các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh tình trạng trên nóng dưới không nóng; quan tâm tăng cường năng lực và nhân lực quản lý tàu cá và xử phạt vi phạm ở cơ sở, hoàn tất cập nhật thông tin tàu cá đầy đủ; xử lý thật nghiêm việc tàu cá mất kết nối hiện chiếm khoảng 1,5% tổng số tàu cá trên 15 m đồng thời mong muốn Bộ Tư pháp giám sát chặt chẽ việc này.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chỉ còn khoảng 3 tháng để đón đoàn Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra đánh bắt IUU lần thứ 5, dự kiến vào tháng 10/2024. Trong đó, câu chuyện quản trị nghề cá là câu chuyện quốc gia cần được quan tâm, đặc biệt trong thời đại mới của khoa học công nghệ gồm trí tuệ nhân tạo, viễn thám, công nghệ thông tin.
Bộ trưởng cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề rằng “không một ngành nào có thể độc lập đứng ra giải quyết”, thay vào đó, “cần sự phối hợp nhịp nhàng, liên tục và liên ngành” trong giải quyết vấn đề về quản trị nghề cá.
Bộ trưởng đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành gồm các thành viên từ các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT… họp bàn trực tiếp, thường xuyên để giải quyết các vấn đề về IUU.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư huy động nhân lực biệt phái trong 3 tháng xuống địa phương để giải quyết vấn đề về tàu cá, nhằm minh bạch hóa trong vấn đề xử lý tàu cá vi phạm IUU và hỗ trợ lực lượng địa phương triển khai thực hiện xử lý vi phạm.
“Cần quy chế đặc thù, đặc nhiệm để huy động lực lượng trong 3 tháng để làm việc với những chủ tàu vi phạm, giải quyết vấn đề trước thềm cuộc thanh tra, và sau thời hạn này sẽ tính toán tiếp tục triển khai nhân lực giám sát và kiểm soát tàu cá”, Bộ trưởng đề nghị.
Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền về phần mềm giám sát tàu cá để ngư dân nhận thức được sự giám sát sát sao trong hành trình ra khơi và tránh tình trạng vi phạm do chủ quan. Lắp đặt thiết bị với màn hình lớn tại khu vực cảng cá để nhắc nhở và nâng cao ý thức tàu cá ra khơi trong vấn đề vi phạm IUU…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết từ nay đến thời điểm Đoàn thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam không còn nhiều, vì vậy phải quyết liệt triển khai những nhiệm vụ đã đề ra sao cho hiệu quả nhất, tránh hình thức.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị cung cấp dịch vụ tập trung giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật, bao gồm cả việc hoàn thiện các tính năng của hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), bảo đảm phát hiện và xử phạt kịp thời tàu cá mất kết nối, chấm dứt tình trạng đổ thừa cho mất sóng, hết tiền cước điện thoại, thiết bị giám sát hành trình bị hư, hỏng.
Phó Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc thành lập các đoàn Trung ương đi kiểm tra công tác chống IUU tại địa phương. Phó Thủ tướng giao cơ quan này tham mưu cụ thể vấn đề, việc gì vượt thẩm quyền thì có báo cáo cụ thể.
Giao việc cho Bộ Công an, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo công an các tỉnh nghiên cứu, xử lý những vụ việc tàu cá mất kết nối theo tinh thần Nghị quyết 04/2024 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào bến.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-bao-dam-phat-hien-va-xu-phat-kip-thoi-tau-ca-mat-ket-noi–.aspx?item=4