Báo chí và các cơ quan truyền thông cần nâng cao những kiến thức mới về quyền con người để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, góp phần đưa các chính sách này vào cuộc sống.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT, Hồ Hồng Hải. (Ảnh: Thu Trang) |
Đó là mục đích tổ chức cũng như thông điệp mà các diễn giả gửi gắm tại Hội nghị phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 7/8, dành cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT, Hồ Hồng Hải cho biết, quyền con người là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và xác định công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.
Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương mới nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, Đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực quyền con người, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 với mục tiêu: Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về quyền con người qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.
Theo ông Hồ Hồng Hải, trong năm 2024, Vụ Pháp chế sẽ tổ chức 2 Hội nghị phổ biến trong lĩnh vực này tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hội nghị phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người là một trong những nhiệm vụ thường xuyên do Bộ TT&TT tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên và các cán bộ quản lý công tác thông tin và truyền thông.
Ông Hồ Hồng Hải đánh giá, truyền thông, báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này. Sự tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng, đồng thời tạo sức ép để các cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn.
Trong thời đại công nghệ số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội đã trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan quyền con người, mà còn tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng viết bài tuyên truyền về nhân quyền cũng đóng vai trò then chốt. Một bài viết có sức thuyết phục không chỉ đòi hỏi kiến thức sâu rộng về chủ đề mà còn cần kỹ năng truyền đạt, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và khả năng kết nối với độc giả.
Do đó, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đào tạo, tập huấn cho các phóng viên, nhà báo và các cán bộ truyền thông là hết sức cần thiết để họ có thể viết ra những bài viết chất lượng, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng trong lĩnh vực này.
PGS.TS.Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Trang) |
Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông đã được nghe các chuyên đề “Đảm bảo quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”, “Phát huy vai trò của truyền thông báo chí trên lĩnh vực quyền con người” do PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày.
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS. Tường Duy Kiên đã nêu các khái niệm về quyền con người; thực tiễn việc bảo đảm quyền con người tại Việt Nam; nhiệm vụ của công tác nhân quyền thời đại mới. Ông cũng trình bày cách nhận diện các đối tượng thù địch và các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Viện trưởng Viện Quyền con người đề cao vai trò quan trọng và nhiệm vụ của báo chí trong bảo vệ và đấu tranh ở lĩnh vực quyền con người.
“Trong thời điểm hiện nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, thông tin, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, PGS.TS. Tường Duy Kiên nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người tại Hà Nội, ngày 7/8. (Ảnh: Thu Trang) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/tang-cuong-lan-toa-chinh-sach-phap-luat-ve-quyen-con-nguoi-281685.html