Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến ngành giáo dục, đặc biệt là người dạy và người học.
Theo GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục. (Ảnh: NVCC) |
AI tạo ra cuộc… chạy đua
Trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến ngành giáo dục, cụ thể nhất là ảnh hưởng đến 2 nhóm chủ thể chính là giáo viên và học sinh thông qua việc cung cấp các công cụ hỗ trợ cho những chủ thể này hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ.
AI cung cấp các công cụ giúp biên soạn tự động giáo án, bài giảng, đề thi, học liệu, phiếu kiểm tra, đánh giá cho giáo viên; đồng thời cung cấp các công cụ giúp làm bài tập nhanh, giải đề thi nhanh, làm bài kiểm tra, biên soạn tiểu luận, luận văn cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, lượng kiến thức, tri thức mà AI “tung ra” vẫn chưa chính thức kiểm duyệt về độ chính xác, độ tin cậy nên được khuyến nghị chỉ sử dụng để tham khảo, không nên lạm dụng, nhất là giáo viên.
Ngoài ra, nhìn ở một góc độ khác, Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một cuộc “chạy đua” chưa có hồi kết trong hoạt động dạy học. Đó là, giáo viên tăng cường soạn bài giảng, ra bài tập, đề thi bằng AI. Học sinh, sinh viên tăng cường giải bài tập, đề thi, làm luận văn, luận án bằng AI. Giáo viên, giảng viên tìm các công cụ giúp phân biệt hàng thật/hàng giả, thẩm định xem các bài tập, luận văn mà học sinh, sinh viên nộp là do các em làm hay là do AI. Học sinh tìm các công cụ AI cao siêu hơn/khó phát hiện hơn… Điều này ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển đích thực của người học trong giáo dục.
Độ phủ sóng, lan tỏa của Trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới những năm gần đây cực kỳ nhanh chóng, đặc biệt được sử dụng nhiều trong ngành giáo dục. Bởi lẽ, nhóm đối tượng giáo viên và học sinh đón nhận AI rất nhiệt tình từ những ngày đầu có sự xuất hiện của ChatGPT, Gemini, Copilot và một số công cụ khác.
Có thể nói, AI ảnh hưởng và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Nguồn tri thức, học liệu được đóng góp và hoàn thiện thêm từng ngày, từng giờ qua việc “học” của AI. Kho tri thức đó lớn hơn bất cứ thư viện nào, vì đó là sự tổng hợp tri thức của toàn thể nhân loại và mỗi ngày lớn dần thêm. Cho nên, các chủ thể chính trong hoạt động giáo dục (nhà quản trị trường học, giáo viên và học sinh) biết khai thác một cách đúng đắn sẽ nâng cao được nhiệm vụ của từng chủ thể.
Khi chất lượng dạy học tăng cao sẽ tạo ra nguồn nhân lực ưu việt hơn cho tương lai. Không thể phủ nhận, các công cụ có tác động trong việc thay đổi vai trò của giáo viên và học sinh, là tác động tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào cách thức khai thác như thế nào. Ví dụ, nếu giáo viên chỉ tham khảo để nâng cao tri thức thì rất tích cực, nhưng nếu giáo viên lạm dụng để soạn bài, ra đề thi, thì có thể tri thức do AI cung cấp không chuẩn, chưa chính xác sẽ dẫn đến làm mất uy tín, hình tượng của người thầy.
Khi chất lượng của hoạt động dạy của giáo viên tăng cao và chất lượng học tập của học sinh tăng cao thì kết quả sẽ tăng cộng hưởng theo, từ đó dẫn đến một nguồn nhân lực ưu việt hơn cho tương lai.
Trí tuệ nhân tạo ngày càng nhiều trong giáo dục. (Ảnh minh họa: Internet) |
Sử dụng công bằng và trách nhiệm
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng AI vào giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng trong việc dạy của giáo viên, việc học của học sinh, tăng cường khả năng quản lý của ban quản trị trường học.
Cụ thể, Mỹ là một trong những nước đi đầu trong việc ứng dụng AI vào giáo dục. Nhiều trường học và đại học ở Mỹ sử dụng các công nghệ AI để cá nhân hóa việc học tập, hỗ trợ nhiều ứng dụng thông minh cho người học trên các nền tảng học trực tuyến E-Learning.
Trung Quốc cũng là một trong số những quốc gia tiên phong trong việc áp dụng AI trong giáo dục, với nhiều chương trình hỗ trợ học sinh qua các hệ thống giám sát lớp học thông minh, ứng dụng nhận diện khuôn mặt để theo dõi sự tập trung của học sinh và các nền tảng học trực tuyến.
Nhật Bản đã có công bố hướng dẫn về việc sử dụng AI trong trường phổ thông và trường đại học. Hướng dẫn này nhằm thúc đẩy môi trường an toàn và hiệu quả để sử dụng AI trong giáo dục. Người học cần hiểu đầy đủ các đặc điểm của AI trước khi sử dụng, việc biến báo cáo, bài luận hoặc các văn bản khác do AI tạo ra thành của mình được coi là hành vi không phù hợp.
Anh đã triển khai nhiều chương trình AI trong giáo dục, tập trung vào các nền tảng học tập thông minh giúp cá nhân hóa quá trình học tập cho học sinh. Hàn Quốc cũng đã áp dụng AI vào giáo dục, với các trường học sử dụng công nghệ để cá nhân hóa việc học tập và cải thiện khả năng học của học sinh thông qua các ứng dụng như Riiid Tutor.
Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục tiên tiến, cũng đã ứng dụng AI vào giảng dạy và học tập. Các trường học ở Phần Lan sử dụng AI để cá nhân hóa giáo dục và hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý lớp học.
Singapore đã triển khai các dự án AI trong giáo dục để tăng cường khả năng học tập và quản lý giáo dục. Ví dụ, hệ thống SLS (Singapore Student Learning Space) sử dụng công nghệ AI để cá nhân hóa nội dung học tập cho học sinh.
Đa số các quốc gia đều có chung một đặc điểm là khai thác AI từ các nền tảng học tập trực tuyến, tập trung vào việc cá nhân hóa người học, từ đó hỗ trợ nâng cao hoạt động học tập, cũng như kiểm tra giám sát, nhận diện trong quá trình làm bài kiểm tra đánh giá.
Việc đẩy mạnh ứng dụng AI vào trong lĩnh vực giáo dục đã được minh chứng bởi một số quốc gia khác trong việc mang đến nhiều thành tựu. Tại Việt Nam, từ khi ChatGPT xuất hiện, giáo viên, học sinh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công cụ này trong công việc của họ. Tuy nhiên, nếu có cách thức tham khảo bài học kinh nghiệm của các nước khác sẽ rút ngắn hơn thời gian và tiếp cận thành quả mà AI mang lại một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn, ít chi phí hơn.
Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra được từ các quốc qua khác. Thứ Nhất, đầu tư vào hạ tầng công nghệ. Việt Nam cần nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng và công nghệ thông tin, đảm bảo mọi trường học đều có khả năng truy cập Internet và các thiết bị cần thiết để triển khai các ứng dụng AI.
Thứ Hai, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức các khóa bồi dưỡng, hội thảo cho giáo viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục về cách sử dụng công nghệ AI trong giảng dạy và quản lý một cách hiệu quả.
Thứ Ba, xây dựng chính sách, hành lang pháp lý trong việc sử dụng và khai thác AI trong lĩnh vực giáo dục. Xây dựng văn bản pháp quy về hướng dẫn sử dụng AI trong giáo dục để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho cả người học và người dạy, tránh các rủi ro liên quan việc vi phạm bản quyền, rò rỉ thông tin cá nhân và đạo văn.
Phát biểu tại tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo – Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành giáo dục không chỉ chia sẻ thông tin mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức để làm giàu cho người dân và xã hội. Với ngành giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đó câu chuyện về dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội lớn và chúng ta cần có những chính sách kịp thời. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sẽ còn nhiều sự thay đổi và tiến bộ. Xã hội cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và tâm thế đón nhận. “Cách tốt nhất để hiểu chính là sử dụng nó. Hãy cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn”, Thứ trưởng nói. Các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, trải nghiệm, sẽ thảo luận và làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT cũng như các công nghệ khác mang lại. Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những chính sách kịp thời. Công nghệ giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc tay chân, đồng thời, giúp tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và bình đẳng trong giáo dục. Ông Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề, điều quan trọng là làm sao để hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào công nghệ và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, đồng thời giảm chi phí để người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/can-trong-voi-ai-trong-giao-duc-281619.html