Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…
Tăng nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm
Ngày 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội thông tin trong tuần, CDC Hà Nội thực hiện giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện ngập lụt tại 7 xã thuộc 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Các hộ gia đình khu vực ngập lụt thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên đường làng ngõ xóm, nước rút đến đâu vệ sinh tới đó, rác thải được thu gom và vận chuyển công cộng trong tuần.
Các địa phương đã tổ chức 27 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại 102.111 hộ gia đình và 777 khu vực khác như trường học, công cộng…; xử lý 12.190 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Trong tuần tới, Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch; tổ chức điều tra, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để ổ dịch bùng phát rộng.
Trong tuần qua (từ ngày 26/7 đến ngày 2/8), toàn thành phố ghi nhận 171 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân phân bố tại 23 quận, huyện. Một số nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ.
Sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm là thường trực. |
Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết tại Đan Phượng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai; giảm 2 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 57 ổ dịch, còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội đã cử đội chống dịch cơ động phối hợp với đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng.
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 40 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 12 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, thành phốghi nhận 1.749 ca mắc bệnh tay chân miệng. Về ổ dịch tay chân miệng, trong tuần qua thành phố ghi nhận 2 ổ dịch tại Nam Hồng, Đông Anh và Trần Phú, Hoàng Mai; cộng dồn năm 2024 ghi nhận 41 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.
Về bệnh ho gà, Hà Nội ghi nhận 10 ca mắc ho gà, tăng 3 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 210 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã. Các ca bệnh xuất hiện rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Bên canh đó, từ ngày 25/7 đến 30/7, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã ghi nhận 3 ổ dịch dại trên chó ở 3 xã: Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân; đã ghi nhận 10 người phơi nhiễm với 3 con chó dại.
Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định, tiếp tục theo dõi sức khỏe.
CDC Hà Nội nhận định tình hình bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Trong tuần ghi nhận thêm 3 ổ dịch dại trên chó tại Sóc Sơn, tổng cộng từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn gồm: Minh Trí, Hồng Kỳ, Đức Hòa, Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân.
TP cũng ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại Quốc Oai. Các dịch bệnh khác như não mô cầu, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.
Để phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội hiện đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh mùa hè như tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella… và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn… Trên cơ sở đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch.
Mặt khác, Hà Nội tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc bệnh để áp dụng biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Ngăn nguy cơ “dịch chồng dịch”
Được biết, không riêng Hà Nội hiện người dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc đang đối mặt với muôn vàn khó khăn sau lũ lụt, trong đó có nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh tật.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sau lũ lụt, các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm…
Ở các vùng sau mưa, lũ lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy cấp. Trẻ em còn có nguy cơ mắc bệnh tay – chân – miệng.
Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa lũ các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét.
Thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Các triệu chứng nặng hơn là sốt cao, sốt kéo dài, người rét run và vã mồ hôi, mệt mỏi trầm trọng.
Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị. Đau mắt đỏ cũng dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm.
Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virus phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao hơn trong mùa mưa lũ.
Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da.
TS.Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao; nhiều khu lụt lội… khiến người dân dễ mắc các bệnh về da.
Đặc biệt, trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là các bệnh về da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân…
Để phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.
Cùng với đó đưa ra hướng dẫn, sau mưa lũ, ngập lụt cần phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.
Ngành Y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, bất kỳ ai cũng có nguy cơ đối với bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống. Vì thế, để phòng ngừa những bệnh này, mỗi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật tốt.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn.
Sau mưa lũ, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa. Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngoài Chloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.
Theo bác sỹ Bạch Thị Chính, Giám đốc chuyên môn VNVC, để hạn chế dịch bệnh lây lan trong tình hình mưa bão, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Ngoài ra cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ.
Nguồn: https://baodautu.vn/nguy-co-benh-dich-truyen-nhiem-bung-phat-sau-mua-lu-d221666.html