Niềm hy vọng còn lại của thể thao VN tại Olympic 2024 đặt vào VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh thi đấu vào 20 giờ hôm nay 7.8. Kỳ vọng có huy chương là không dễ nhưng quan trọng phải vượt qua chính mình.
Khó áp sát 300 kg
Ở hạng cân 61 kg môn cử tạ tại Olympic, Trịnh Văn Vinh sẽ tranh tài cùng 11 VĐV khác mà người nào cũng đều có thành tích khá choáng ngợp. Trong đó khoảng 5 – 6 đô cử có thành tích trước Thế vận hội xấp xỉ 300 kg tổng cử trở lên, đó là Li Fabin của Trung Quốc, Morris Hampton (Mỹ), Irawan Eko (Indonesia), Massidda Sergio (Ý) và Silachai Theerapong (Thái Lan). Trong khi Trịnh Văn Vinh của VN dù trong quá khứ từng có tổng cử lên đến 307 kg như ở SEA Games 29 năm 2017 hoặc 299 kg tại ASIAD 2018, nhưng thời điểm hiện tại chỉ vào khoảng 294 kg. Con số này cho thấy nếu không có sự cố gắng vượt bậc sẽ khó san lấp khoảng cách với nhóm VĐV mạnh nói trên.
Ông Ngô Ích Quân, Trưởng phòng TDTT thành tích cao 1, Cục TDTT, thành viên đoàn TTVN tại Olympic, nhận xét: “Đầu năm 2019, Vinh bị cấm thi đấu 4 năm nên ảnh hưởng nhiều đến phong độ. Tiếp theo là chấn thương mãn tính ở chân khiến Vinh phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, rất may Vinh có ý chí kiên cường và quyết tâm cao nên vẫn giành được suất đi Olympic. Vì vậy ở thời điểm này chúng tôi cũng khó đòi hỏi thành tích cao của Vinh, bởi áp sát con số 300 kg tổng cử là điều mà chỉ có phấn đấu dữ dội cộng may mắn thì mới có được”.
Bản thân Vinh cũng đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để mong cải thiện thông số của mình. Gần đây tình trạng sức khỏe của anh đã tốt lên rất nhiều, vết đau ở chân tuy còn ảnh hưởng nhưng cũng không quá nghiêm trọng. Theo đánh giá của BHL đội cử tạ thì cử giật của anh đã ổn định với 130 – 132 kg, còn cử đẩy có lúc vượt qua mốc 163 kg, nghĩa là tốt hơn thành tích ở Cúp cử tạ thế giới tại Phuket (Thái Lan) hồi tháng 4.2024. Với chiều hướng này nếu duy trì phong độ cũng như tâm lý tốt thì người hâm mộ VN vẫn trông chờ vào sự bùng nổ từ Trịnh Văn Vinh, chí ít cũng áp sát được mức 285 – 287 kg để tạo nên áp lực với các đô cử khác trong cuộc đua Olympic.
Cần chiến thuật hợp lý
Cử tạ VN nhiều năm qua sau thành công với chiếc HCB của Hoàng Kim Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008 hiện khó cạnh tranh ở 3 vị trí dẫn đầu. Nhưng trong từng nội dung cử giật hoặc cử đẩy nếu có chiến thuật hợp lý thì vẫn có hy vọng áp sát tốp những đô cử mạnh và sẽ làm thay đổi cán cân bất ngờ.
Chúng tôi còn nhớ năm 2016 tại Olympic Rio, Thạch Kim Tuấn thi đấu cử giật khá tốt ở hạng cân 56 kg. Đó là thời điểm mà Tuấn cũng vừa trải qua chấn thương chân chưa hoàn toàn bình phục, nhưng đô cử TP.HCM xuất sắc giành thành tích cử giật 130 kg. Kết quả đó khiến mọi người vui mừng vì cùng thành tích 130 kg, nhưng Tuấn có trọng lượng cơ thể nhẹ hơn Arli Chontey của Kazakhstan nên xếp trên, đứng thứ tư, mở ra cơ hội tranh huy chương. Thế mà thành tích đó trở nên vô nghĩa khi Tuấn vì nhiều lý do khác nhau không thực hiện thành công ở nội dung cử đẩy. Sau lần thất bại đầu ở mức
157 kg, BHL quyết định cho Tuấn chơi theo kiểu “được ăn cả ngã về không” khi nâng tạ lên mức 160 kg, nhưng anh thất bại. Với kết quả không thành công này, tổng cử của Tuấn cũng mất luôn, để lại nhiều nuối tiếc. Vì chỉ cần ổn định lần đẩy sau ở mức 157 kg thì chí ít lực sĩ của VN cũng có tên trong 5 hạng đầu và sẽ không ra về tay trắng.
Bài học này là cần thiết cho BHL và đô cử Trịnh Văn Vinh để đề ra chiến thuật hợp lý và hy vọng đạt được thành tích tốt nhất có thể.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/lich-thi-dau-olympic-cua-viet-nam-hom-nay-trinh-van-vinh-can-vuot-qua-chinh-minh-185240806215302399.htm