Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Theo đại diện Bộ Công Thương, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã kế thừa các quy định của Luật Điện lực hiện hành và có sửa đổi 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện; bỏ 4 điều về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực, thanh tra điện lực.
Dự thảo Luật gộp 4 điều vào các điều khác, chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện. Bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp, cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế…
Các đại biểu cho rằng, mục đích cao nhất khi sửa đổi Luật Điện lực là bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới. Theo đó, việc sửa đổi cần lưu ý tới một số yếu tố như trước đây, các nguồn điện giữ vai trò bảo đảm an ninh cung cấp điện (thủy điện, nhiệt điện) thường do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), nhưng trong giai đoạn tới sẽ thay thế vai trò các nguồn điện này bằng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng… Do vậy, các nguồn điện này cần được quy định, thể chế hóa trong dự thảo Luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng, an ninh cung cấp điện.
Điều 1 dự thảo Luật bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh đối với phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện (bao gồm cả việc điều hành giá điện và giá các dịch vụ về điện); vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả quản lý nhu cầu điện và tiết kiệm điện); quản lý nhà nước về điện lực. Tuy nhiên, liên quan đến giá điện và giá các dịch vụ về điện, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 2 thành phần, gồm: giá công suất và giá điện năng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), cung cấp nhiều thông tin quan trọng để Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 này.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoi-thao-gop-y-hoan-thien-du-thao-luat-dien-luc-sua-doi–i383422/